Thời tiết khác thường, nguy cơ nhiều dịch bệnh cây trồng

Cục BVTV cảnh báo, do thời tiết diễn biến bất thường, mùa hè đến muộn nên nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh trên lúa ĐX ở phía Bắc. Bên cạnh đó, cần hết sức cảnh giác với nguy cơ dịch châu chấu tre.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Hồng Khanh, Phó trưởng phòng BVTV (Cục BVTV) cho biết: Thời tiết vụ ĐX 2017 tại các tỉnh phía Bắc đang có những diễn biến bất thường. Mùa đông kết thúc muộn hơn mọi năm.

17-10-03_dscf3723

Ông Đỗ Hồng Khanh, Phó trưởng phòng BVTV (Cục BVTV)

Cụ thể, diễn biến dịch bệnh trên lúa đến thời điểm này có nghiêm trọng hơn mọi năm không thưa ông? Mặc dù hiện đã là trung tuần tháng 4 nhưng vẫn còn những đợt không khí lạnh, dù cường độ không mạnh nhưng khiến thời tiết các tỉnh phía Bắc âm u kéo dài, cộng với độ ẩm cao nên nguy cơ cao bùng phát các loại bệnh trên lúa như đạo ôn, khô vằn tại các tỉnh phía Bắc.

Ngay từ đầu vụ ĐX 2016-2017, Cục BVTV đã có những cảnh báo về nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh do đặc thù mùa đông ấm, đặc biệt là nhóm sâu có thể có khả năng phát triển các lứa nhanh hơn do rút ngắn vòng đời.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 7/4/2017, bệnh đạo ôn hại lá lúa ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng cả nước ước khoảng trên 22 nghìn ha, tăng hơn 6.700 ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nhiễm nặng là hơn 900 ha, đặc biệt tại Nghệ An diện tích cháy rụi (cộng dồn) là 37ha. Tại các tỉnh phía Bắc, diện tích lúa nhiễm đạo ôn hiện khoảng trên 9.000 ha, trong đó khoảng 456 ha nhiễm nặng…

Bên cạnh bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn cũng gây hại với hơn 19 nghìn ha, tăng hơn 13 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiễm nặng hơn 300 ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bắc Trung bộ (hơn 9.600 ha).

Như vậy, nhìn tổng thể trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc thì diễn biến dịch bệnh trên lúa ĐX (nhất là đạo ôn và khô vằn) có chiều hướng tăng so với các năm. Tuy nhiên, với kinh nghiệm phòng chống của các địa phương, mức độ dịch bệnh vẫn được kiểm soát khống chế khá tốt, chưa có nhiều diễn biến phức tạp.

Thời gian tới, dự báo thời tiết sẽ vẫn âm u, nắng chưa bật lên. Ông có cảnh báo nào về nguy cơ dịch bệnh trên các cây trồng vụ ĐX ở phía Bắc?

Dự kiến, lúa ĐX 2017 sẽ trỗ tập trung vào cuối tháng 4/2017. Với đặc thù thời tiết âm u, ít nắng, cộng với thời điểm giao mùa thường có mưa lớn cục bộ, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn tiếp tục có nguy cơ bùng phát ở giai đoạn lúa trỗ đòng (đạo ôn cổ bông). Bên cạnh đó, như thường lệ, rầy sẽ có xu hướng tăng mạnh về cuối vụ.

Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo hệ thống ngành BVTV đặc biệt tăng cường điều tra, giám sát diễn biến dịch bệnh. Với các tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc cần hết sức đề phòng để ngăn chặn nguy cơ dịch châu chấu tre. Dịch châu chấu tre đã xảy ra từ năm 2016 ở một số địa phương và hiện đang có những nguy cơ tái diễn.

Vậy những địa phương nào đang có nguy cơ dịch châu chấu?

Năm 2016, dịch châu chấu tre đã bùng phát mức độ nhẹ ở một số tỉnh miền núi như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ… Bản chất, châu chấu tre chủ yếu phát sinh và gây hại ở các diện tích rừng tre luồng.

17-10-03_chu-1

Cán bộ BVTV kiểm tra các ổ trứng châu chấu tre mới nở tại tỉnh Bắc Kạn

Từ đầu tháng 4/2017 đến nay, Bắc Kạn là tỉnh đầu tiên đã ghi nhận châu chấu đẻ trứng nở rộ tại 2 huyện Na Rì và Ngân Sơn, với mật độ phổ biến từ 2.000 – 3.000 con/m2. Mới nhất, Phú Thọ cũng đã thông báo phát hiện các khu vực châu chấu tre đẻ trứng tập trung.Tuy nhiên khi bùng phát mạnh, mật độ cao và thức ăn không đủ, chúng sẽ tìm tới các diện tích cây nông nghiệp ở nương rẫy lân cận để gây hại. Năm 2016, đã có khoảng 2.000 ha, chủ yếu là tre, luồng bị châu chấu phá hoại, rất may là khi tràn sang các diện tích lúa, ngô thì đã cận thời kỳ thu hoạch nên thiệt hại không đáng kể.

Hiện Cục BVTV phối hợp với các địa phương đã tập trung phòng trừ. Dịch châu chấu là rất nguy hiểm vì khó khống chế, vì vậy các địa phương vùng miền núi phía Bắc cần chỉ đạo ngành BVTV và các địa phương kiểm tra, phát hiện để diệt trừ ngay từ giai đoạn trứng mới nở.

Biện pháp nào để ngăn chặn được dịch châu chấu thưa ông?

Châu chấu tre mỗi năm chỉ có 1 lứa duy nhất, đẻ trứng vào tháng 10-11 hàng năm và trứng nở vào đầu tháng 4 năm sau.

Đến tầm tháng 7-8 hàng năm, chúng sẽ tràn ra khu vực bìa rừng phá hoại hoa màu. Châu chấu khi đã trưởng thành, có cánh thì bay đi rất nhanh và rộng, rất khó diệt trừ. Vì vậy, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là kiểm tra, phát hiện để diệt trừ ngay ở giai đoạn trứng mới nở. Châu chấu mới nở thường tập trung thành từng đám ở khu vực bìa rừng, khi phát hiện cần phải diệt trừ ngay bằng các loại thuốc BVTV tiếp xúc.

Dịch châu chấu thường có nguy cơ rộng, không chỉ ở phạm vi một nước mà còn cả khu vực. Vừa qua, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cũng đã triển khai dự án hỗ trợ phòng trừ dịch châu chấu tại 3 nước Việt Nam – Trung Quốc và Lào. Hiện FAO cũng đã có dự án hỗ trợ vùng cho Việt Nam – Lào và Trung Quốc để quản lí nguy cơ bùng phát châu chấu.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nongnghiep.vn