Đà Nẵng tăng điểm bán thịt heo nóng, không lợi nhuận

Thời gian Đà Nẵng mở các điểm bán hàng bình ổn giá thịt heo dự kiến từ ngày 26 đến 30-12 âm lịch.

Sáng 25-12, UBND TP Đà Nẵng có buổi làm việc với Sở Công Thương TP và các đơn vị liên quan về giải pháp đảm bảo cung ứng thịt heo cho người dân trong dịp tết Nguyên đán 2020.

Theo Sở Công Thương TP, thị trường Đà Nẵng tiêu thụ mỗi ngày khoảng 72 tấn thịt heo.

Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung Đà Sơn chế biến, cung ứng ra thị trường hơn 1.200 con/ngày. Trong đó, Công ty Chăn nuôi CP chiếm khoảng 50%, còn lại đến từ một số nguồn cung nhỏ lẻ khác. Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, ở thời điểm hiện tại số lượng này biến động theo chiều hướng giảm cả về số lượng và trọng lượng.Đà Nẵng tăng điểm bán thịt heo nóng, không lợi nhuận  - ảnh 1Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đề nghị các đơn vị liên quan phải tăng điểm bán hàng bình ổn thịt heo trong dịp tết để đáp ứng nhu cầu người dân. Ảnh: TA

Ông Phạm Phú Trăng, đại diện Công ty Chăn nuôi CP tại Đà Nẵng, cho biết công ty đảm bảo lượng heo cung cấp ra thị trường, nếu có biến động chỉ tăng giảm 10%. Mỗi ngày CP cung ứng ra thị trường Đà Nẵng khoảng 500 con heo. Do nhu cầu quay vòng, tái đàn tăng mạnh nên dù sản lượng heo không có biến động lớn nhưng trọng lượng heo nhỏ hơn so với thời điểm trước tăng giá.

“Heo xuất chuồng tại CP trước đây có trọng lượng trung bình 100 kg/con thì nay giảm còn khoảng 80 kg/con. Điều này cũng là một phần nguyên nhân khiến sản lượng thịt heo giảm” – ông Trăng nói.

Dự kiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo ở thị trường Đà Nẵng những ngày cận tết Nguyên đán sẽ lên khoảng 1.800-2.000 con/ngày.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, cho biết thịt heo trên thị trường được phân làm hai loại, gồm thịt heo “nóng” tức là heo giết mổ tại trung tâm gia súc, gia cầm sau đó nhập trực tiếp đến các chợ truyền thống, siêu thị phục vụ người tiêu dùng. Thứ hai là thịt heo “mát”, tức thịt heo sau khi giết mổ sẽ được xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm sau đó cấp đông và đưa ra thị trường.

“Vấn đề ở đây là người tiêu dùng Việt Nam nói chung, đặc biệt là miền Trung và Đà Nẵng nói riêng đó là tâm lý tiêu dùng hàng thịt heo “nóng”, dù thịt heo cấp đông vẫn đảm bảo chất lượng. Thiếu là thiếu thịt heo “nóng” và chỉ thiếu trong dịp cao điểm tết Nguyên đán” – ông Bắc nói.

Có mặt tại buổi làm việc, đại diện các siêu thị trên địa bàn TP cho biết đã có kế hoạch dự trữ thịt heo cấp đông nhưng nhu cầu người dân vẫn hướng nhiều về thịt heo “nóng”. “Vấn đề là thói quen và cách nhìn nhận của người tiêu dùng” – đại diện một siêu thị nhìn nhận.

Ông Phan Thống, Giám đốc Co.opmart Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã chủ động làm việc với các đơn vị cung cấp thịt heo trong cả nước. Đối với mặt hàng thịt heo “nóng”, Co.opmart sẽ thực hiện bán hàng không lợi nhuận để góp phần bình ổn giá thị trường.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đề nghị Sở Công Thương TP cần có kế hoạch tăng điểm bán bình ổn giá thịt heo trong năm ngày gần tết Nguyên đán.

Dự kiến Đà Nẵng sẽ có 15-20 điểm bán thịt heo bình ổn giá với năng lực cung ứng khoảng 10%-15% tổng sản lượng tiêu thụ thịt heo mỗi ngày (khoảng 15-18 tấn/ngày).

Các điểm bán sẽ đặt tại các chợ truyền thống lớn, đảm bảo mỗi quận/huyện ít nhất có 1-2 điểm bán. Khu vực đông người dân có thu nhập thấp, đảm bảo giá bán thịt heo phải ít hơn ít nhất năm giá so với giá của thị trường.

“Sở Công Thương phải tăng số lượng điểm bình ổn giá lên. Số lượng heo cung ứng tăng lên trong dịp tết phải chủ yếu tập trung cho điểm bình ổn. Làm tốt vấn đề này sẽ bình ổn được thị trường, không bị tăng giá đột biến” – ông Minh nói thêm.