Kỹ sư công nghệ thông tin bỏ phố về quê làm giàu từ con kêu “be be”

Là kỹ sư công nghệ thông tin với công việc ổn định nhưng sau 5 năm đi làm, anh Trương Văn Thành lại quyết định trở về quê… nuôi dê.
Anh Trương Văn Thành (32 tuổi, thôn Linh Cang, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) từng tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin trường đại học Khoa học tự nhiên, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường anh tìm được một công việc ổn định và đã có 5 năm gắn bó với thành phố nhộn nhịp này.

Tuy nhiên vốn xuất thân nhà nông, lớn lên với ruộng vườn vật nuôi cùng niềm khao khát được làm giàu trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn nên đến năm 2017, anh quyết định rời bỏ nơi phố thị về quê khởi nghiệp bằng việc nuôi dê.

Xã hội - Kỹ sư công nghệ thông tin bỏ phố về quê làm giàu từ con kêu 'be be'

Anh Thành chăm sóc dê con. (Ảnh:báo Quảng Nam)

Qua quá trình tìm hiểu, anh Thành lựa chọn nuôi dê Boer và dê Bách Thảo vì nhận thấy hai giống này sinh trưởng, sinh sản nhanh, rủi ro thấp, lợi nhuận thu về cao hơn so với các vật nuôi truyền thống khác.

Vì chuyển nghề tay ngang nên anh Thành đã chủ động đi đến các trang trại chăn nuôi dê lớn ở tỉnh Đắk Lắk để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. “Thời gian đầu nuôi dê tôi gặp không ít khó khăn do chưa nắm được chu kỳ sinh trưởng, sự thích nghi của dê với thời tiết… dẫn đến đàn dê chết rất nhiều. Để khắc phục, tôi cất công lên Đắk Lắk học hỏi các mô hình nuôi dê để về rút kinh nghiệm cho mình”, anh Thành tâm sự.

Từ 4 con dê giống ban đầu, qua từng năm, dê sinh sản nhiều, anh xuất bán liên tục, đến nay trang trại của anh đã có gần 80 con, trong đó có khoảng 25 con dê đang trong thời kỳ sinh sản. Chuồng trại được mở rộng với 200m2, các khu vực xung quanh được trồng cỏ làm nguồn thức ăn tại chỗ cho dê với tổng diện tích 2,8ha.

Xã hội - Kỹ sư công nghệ thông tin bỏ phố về quê làm giàu từ con kêu 'be be' (Hình 2).

Trại dê mang lại cho anh Thành thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.(Ảnh:báo Quảng Nam)

“Nuôi dê sinh sản đem lại lợi nhuận khá cao, vì nguồn thức ăn từ lá cây, cỏ. Bình quân mỗi năm, một con dê Boer, dê Bách Thảo sinh sản khoảng 3 – 4 dê con, sau 5 tháng dê con có trọng lượng từ 30 – 40 kg. Hiện dê thương phẩm xuất bán giá 150.000 đồng/kg và dê giống khoảng 10 tháng tuổi giá 180.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, trại dê mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó tôi còn thu gần 10 triệu đồng từ phế phẩm của dê mỗi năm”, anh Thành cho biết.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dê, anh Thành cho biết, để dê khỏe mạnh và phát triển tốt, việc lựa chọn con giống vô cùng quan trọng. Chọn dê cái thì nên lựa con có thân hình nở nang, cân đối, bộ lông bóng mượt, ngực sâu; còn dê đực nên chọn con khỏe mạnh, cổ to, tứ chi nhanh nhẹn và tinh hoàn to, đều.

Hiệu quả từ mô hình nuôi dê của anh Thành được chính quyền địa phương đánh giá cao và rất khuyến khích phát triển. “Thời gian qua xã luôn khuyến khích, hỗ trợ thanh niên về quê khởi nghiệp. Đặc biệt, trại nuôi dê của Thành là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu nhất ở địa phương. Trong 2 năm (2019, 2020), xã và huyện hỗ trợ mô hình này hơn 200 triệu đồng để nhân rộng và phát triển”, ông Lê Văn Thôi, Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho hay.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, cựu kỹ sư công nghệ thông tin còn được đánh giá là một Bí thư Chi đoàn thôn xuất sắc, tham gia tích cực các phong trào, hoạt động Đoàn.

Về dự định trong tương lai, anh Thành cho biết sắp tới anh sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng thêm chuồng trại, tạo thêm việc làm cho lao động ở địa phương. Ngoài ra, tập trung vào phân khúc liên kết, mở rộng khách hàng và thị trường, nhằm thúc đẩy mô hình chăn nuôi dê ngày càng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, anh dự định đầu tư xây dựng khu du lịch nông nghiệp phục vụ khách đến tham quan, trải nghiệm.