9X Thanh Hóa kiếm tiền tỷ mỗi năm khi về quê khởi nghiệp

Đang học năm thứ 3 đại học, anh Dương Ngọc Trường đã quyết định bảo lưu kết quả học tập để về quê khởi nghiệp.

Sau những khó khăn, thách thức, đến nay chàng trai trẻ sinh năm 1997 đã giúp hàng chục lao động tại địa phương có việc làm, doanh thu của doanh nghiệp cả tỷ đồng mỗi năm.

Sinh ra trong ‘gia đình nghèo nhất xã, nhất cả huyện’, chính vì thế ngay từ nhỏ anh Dương Ngọc Trường quê Thanh Hóa đã có ý thức phải nỗ lực học hành với hy vọng thoát nghèo. Ngay năm thứ nhất trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, chuyên ngành Môi trường đô thị, Trường bắt tay thực hiện dự án “khởi nghiệp” đầu tiên của mình bằng việc thuê lại một mảnh vườn rộng vài trăm mét vuông trồng rau sạch.

9X Thanh Hóa kiếm tiền tỷ mỗi năm khi về quê khởi nghiệp

Anh Dương Ngọc Trường đã quyết định bảo lưu kết quả học tập để về quê khởi nghiệp

Tuy nhiên, chàng trai trẻ đã không thành công với mô hình này khi rau nhiều sâu, lá xấu và nhỏ nên không bán được. Qua thất bại này, anh nhận ra rằng trong kinh doanh cần nắm rõ được phân khúc khách hàng, sản phẩm cần phải có thương hiệu mới giúp mọi người có lòng tin để mua.

Sau thất bại với mô hình trồng rau sạch, chàng trai trẻ lại hợp tác với một người thân để làm miến dong. Suốt thời gian 3-4 tháng trời, cứ khi nào được nghỉ học, Trường lại chạy xe máy đến tất cả những nơi sản xuất miến nổi tiếng như Hưng Yên, Hà Tây để học hỏi công thức. Thậm chí, Trường còn chạy xe máy hơn 200km lên Bắc Kạn, tìm về những người dân tộc làm miến dong.

Sau thời gian học hỏi, Trường nắm trong tay hầu hết những công thức làm miến và tạo ra công thức cho riêng mình, sản lượng bán ra tăng gấp đôi. Trường phụ trách thị trường Hà Nội, còn người thân bán ở quê.

Tuy nhiên, do không phù hợp quan điểm về thị trường, chiến lược marketing nên Trường và người thân dừng hợp tác sau gần 1 năm. Trường rút ra khi đã có trong tay số vốn 50 triệu đồng.

Vài tháng sau, Trường tiếp tục sản xuất rượu hạt cau với một người quen khác nhưng cũng không đi được đường dài do không chung chí hướng. Dù vậy lúc này chàng trai 20 tuổi có trong tay khoảng 300 triệu đồng làm vốn.

9X Thanh Hóa kiếm tiền tỷ mỗi năm khi về quê khởi nghiệp

Chàng trai trẻ đang có vùng trồng nguyên liệu rộng lớn để đảm bảo sản xuất

Năm 2017, trong một lần về quê, khi đi qua cánh đồng sả xã bên đang thu hoạch, cậu sinh viên thấy người dân chỉ lấy củ vứt lá, Trường chạy lại hỏi. Mấy bác nông dân lập tức mắng: “Chẳng hiểu cháu học đại học kiểu gì? Sả không lấy củ thì lấy lá à?”. Cậu ấm ức, ngay tối hôm đó lên mạng tra cứu, khi dòng chữ “chế xuất tinh dầu lá sả” đập vào mắt. Và Trường bắt đầu tìm hiểu về công thức làm tinh dầu từ lá sả.

“Mình mang nguyên liệu đến một số cơ sở bán máy móc và sản xuất một lô nhỏ tinh dầu sả để chào hàng trước và nhận thấy nhu cầu thị trường khá nhiều, trong khi chất lượng sản phẩm của mình cũng đạt. Thế rồi, mình tìm đến các nhà máy bán máy móc làm tinh dầu và huy động vốn, vay mượn anh chị em bạn bè để mua”, Trường chia sẻ.

Xưởng đầu tiên thành lập tại nhà với 4 nhân công, chính thức hoạt động tháng 8/2017. Khi đó, Trường đang học năm 3 đại học, 9X quyết định bảo lưu lại việc học để tập trung cho sự nghiệp.

Trường kể, 6 tháng đầu hàng sản xuất ra không bán được do không cạnh tranh được về giá thành sản xuất, lương nhân công nợ đến 50%. Suốt một thời gian dài, anh phải mang sản phẩm đi tặng cũng như chào hàng để người ta thấy được chất lượng thực sư của sản phẩm được làm ra từ nguyên liệu sạch.

Sự kiên trì dần dần được đền đáp. Năm 2018, Trường bán được 500 lít tinh dầu. Để đảm bảo thương hiệu, anh đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, việc mà những lần khởi nghiệp trước đó đều thất bại.

Từ việc sản xuất tinh dầu sả, ngoài ra, Trường còn tìm hiểu để sản xuất hàng loạt các nguyên liệu thiên nhiên khác mang hương vị quê hương rất đặc trưng như mùi già, ngải cứu, bạc hà, khuynh diệp,…

Ban đầu, toàn bộ nguyên liệu được Trường thu mua từ người dân trong huyện. Sau đó, Trường thuyết phục bố mẹ chuyển đổi 5 hecta đất mía để tự trồng mùi già, ngải cứu, hương nhu, bạc hà,… với mục đích kiểm soát nguyên liệu từ đầu, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Thay vì sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, Trường sử dụng bã sả, bã quế và bã các loại cây rải quanh gốc cây trồng, đó vừa là một loại phân hữu cơ, vừa không để cỏ mọc, lại đuổi được côn trùng, sâu bệnh.

Với những nguyên liệu được thu mua từ người dân, Trường cũng kiểm định chất lượng kỹ càng, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

9X Thanh Hóa kiếm tiền tỷ mỗi năm khi về quê khởi nghiệp

Sản phẩm của Trường được giới thiệu ở nhiều hội chợ và được nhiều người biết đến

Trường cũng nhanh nhạy ứng dụng nền tảng công nghệ số và khâu tổ chức bán hàng và marketing sản phẩm, tận dụng cơ hội từ nền kinh tế số mang lại. Song song với kênh bán hàng truyền thống, anh đẩy mạnh xây dựng fanpage và bán hàng qua các nền tảng như Facebook, Zalo, các sàn thương mại điện tử… Qua đó đã giảm được 40% chi phí vận chuyển, chi phí thuê mặt bằng, chi phí bộ máy công ty.

Khi việc tiêu thụ hàng bắt đầu trôi chảy, năm 2018, Trường vay ngân hàng để xây dựng thêm cơ sở thứ 2. Ngoài tinh dầu, hiện nay chàng trai trẻ còn có thêm các loại như nước hoa nhài, nước cất tía tô, nước cất tỏi…

Hiện công ty đang canh tác vùng nguyên liệu rộng 14ha, đồng thời liên kết bao tiêu khoảng 500ha trồng cây dược liệu. Trung bình mỗi năm công ty đưa ra thị trường 100.000 chai các loại tinh dầu và 10 tấn tinh dầu thô. Tạo công ăn việc làm cho 50 – 60 lao động với thu nhập 160.000 đồng/ngày, cao hơn hẳn mặt bằng chung ở địa phương. Trường cho biết doanh thu 2019 của công ty là 2 tỷ đồng và mục tiêu trong năm 2020 lên 5 tỷ đồng.

Dù đã gặp vô vàn những khó khăn trên con đường khởi nghiệp của mình, nhưng chàng trai trẻ vẫn khẳng khái cho biết: ‘Mình chưa bao giờ thấy con đường mình đi là không đúng, bởi điều mình quan tâm là làm được gì và giúp gì cho xã hội này”.

Chàng trai trẻ cũng cho biết hơn 3 năm khởi nghiệp, thứ khiến anh vui nhất và níu giữ làm sản phẩm thiên nhiên đó là mang lại nhiều điều tốt đẹp cho quê hương, tạo nhiều việc làm cho bà con và giá trị sản phẩm mang lại sức khoẻ, sắc đẹp cho xã hội. Trường cho rằng, sản phẩm thiên nhiên cần thời gian chứng minh và để mọi người trải nghiệm, lan tỏa.