Bí kíp bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh những ngày giãn cách

Sài Gòn đang giãn cách theo Chỉ thị 16, Hà Nội cũng đang hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người và khuyến cáo người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cấp bách. Vậy nên chắc chắn không ít chị em sẽ bỏ thói quen đi siêu thị hàng ngày.

Thay vào đó, chuẩn bị thực phẩm cho 2-3 ngày hoặc 1 tuần trong 1 lần đi siêu thị hoặc gọi ship là lựa chọn an toàn và tối ưu nhất vào thời điểm này.

Khi mua các thực phẩm cần thiết vẫn nhà, bạn nên phân loại chúng xem loại nào cần bỏ vào tủ lạnh, loại nào không cần thiết.

Phân loại rau, củ, quả

Nếu bạn không phân loại rau mà để lẫn rau, củ, quả vào với nhau, khi một loại rau bị hư hỏng sẽ dẫn đến các loại rau khác cũng bị hỏng theo, hoặc mất chất dinh dưỡng.

Để đảm bảo cho sức khoẻ, bạn nên để rau củ – hoa quả ở trong hộp/túi và đặt vào những ngăn khác nhau trong tủ lạnh.

Dùng giấy ăn để rau củ tươi hơn khi trữ lạnh

Đối với các loại rau xanh, việc giữ cho chúng tươi lâu khó hơn các loại thực phẩm khác. Dù cho bạn có bỏ rau vào hộp và cất vào tủ lạnh, rau vẫn có thể bị héo úa, dập nát và nhớt.

Bạn lót thêm 1 lớp giấy ăn quanh thành và dưới đáy hộp, đảm bảo rau sẽ tươi hơn rất nhiều đấy.

Vậy trước khi phân loại rau và cho vào tủ lạnh, bạn hãy rửa qua với nước để loại bỏ bớt bùn đất trên rau nhé! Sau đó mới bọc rau bằng giấy ăn và cho vào túi zip/hộp có nắp và để vào ngăn mát. Làm như vậy, bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh 3-5 ngày mà rau vẫn tươi.

Cách trữ lạnh thịt, cá

Rửa thịt và chia thành các phần đủ dùng cho 1 bữa ăn

Bạn không nên để nguyên tảng thịt hoặc cả 1 con cá to vào ngăn đá tủ lạnh mà chưa rửa với nước, chưa cắt thịt/cá thành các phần đủ dùng cho 1 bữa ăn.

Với thịt, cá, bạn nên sơ chế qua và phân chia chúng thành các khẩu phần nhỏ.

Ví dụ, một bữa cả nhà bạn ăn khoảng 400gr thịt lợn, bạn nên cắt miếng thành từng miếng tương ứng rồi cho vào túi zip hoặc hộp bảo quản, và đặt vào ngăn đá.

Như tôm cá, bạn cũng nên bóc vỏ, đánh vảy làm sạch ruột bên trong cho bớt tanh rồi phân chia thành từng khúc phù hợp với khẩu phần ăn.

Còn với thịt gà, xương sườn, thịt bò, bạn cũng có thể làm tương tự. Việc phân loại và sơ chế trước sẽ giúp bạn có những bữa cơm ngon mà không mất nhiều thời gian chế biến thực phẩm.

Sắp xếp thực phẩm hợp lý

Bạn nên sắp xếp thực phẩm hợp lý trong để giảm thiểu tình trạng bỏ đi thực phẩm một cách lãng phí. Hãy để những thực phẩm mới ở sâu bên trong tủ và những thực phẩm trước đó ở phía ngoài để tiện dùng trước.

Xếp các hộp đựng thực phẩm ngăn nắp và hợp lý, có thể ghi chú thời gian và dán trên bao bì hộp để dễ dàng nắm được thời gian sử dụng của thực phẩm.

Tránh để quá nhiều đồ trong tủ

Để quá nhiều đồ bên trong tủ lạnh sẽ làm ảnh hưởng tới luồng khí luân chuyển trong tủ, các hộp thực phẩm được làm lạnh một cách đồng đều. Vì thế sẽ khiến cho một số thực phẩm bị ôi thiu và nhanh hỏng khi không có đủ độ làm mát.

Không để đồ ăn trong thời gian quá lâu

Không phải lúc nào việc bảo quản thực phẩm bên trong tủ lạnh cũng tốt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bảo quản thịt cá càng lâu trong tủ lạnh dễ khiến thực phẩm mất đi chất dinh dưỡng vốn có và sinh ra nhiều chất có hại cho cơ thể.

Việc cấp đông và rã đông cũng làm mất đi khoảng 1/3 lượng chất béo hòa tan có sẵn trong thịt.

Mỗi lần cấp đông và rã đông có thể mất tới 20% chất dinh dưỡng. Bởi thế nên tùy vào từng loại thực phẩm, bạn nên cân nhắc việc bảo quản trong tủ lạnh hay không, và trong bao lâu. Ví dụ: thịt gà, thịt heo và vịt chỉ nên để tủ lạnh khoảng 7 ngày, bò và dê khoảng 10 ngày, cá không nên để lâu quá 2 ngày trong tủ lạnh.