Đàn chim bồ câu và chim sẻ đặc biệt ở chợ Hòa Bình

Ban đầu đàn chim chỉ có sáu con, giờ đã lên đến hơn 100 con. 

Hàng ngày, cứ gần trưa là đàn chim hàng trăm con bồ câu và chim sẻ lại bay về đậu đầy nóc chợ Hòa Bình, ngôi chợ có lịch sử từ thời Pháp thuộc lâu đời ở phường 5, quận 5, TP.HCM. Chúng chờ đợi để sà xuống ăn những hạt lúa mẩy do một người chủ sạp bán gạo – chị Nguyễn Thị Thu Hương rải. Chị Hương đã làm công việc này được hơn một năm.

Đàn chim bồ câu và chim sẻ đặc biệt ở chợ Hòa Bình - ảnh 1
Chị Hương trưa nào cũng rải thóc cho chim bồ câu ăn. Ảnh: HOÀNG LAN

Chị Hương kể: “Đàn chim ban đầu có sáu con do chủ không nuôi nữa nên bay lang thang. Thóc tới đâu bồ câu tới đó, dần dần đàn bồ câu rủ nhau kéo về ngày một đông hơn. Mình bán gạo thì có lúa rải cho nó ăn, tự nhiên thấy vui. Khách đi đường cũng thỉnh thoảng dừng lại xem rồi mua lúa rải cho chúng ăn hay mua về để sẵn trong nhà, đợi có chim đến thì rải cho ăn. Chim bồ câu ăn trước, chim sẻ ăn sau, không tranh giành với nhau".

Cũng theo chị Hương, đàn chim đông vậy mà có lúc chúng bị bẫy gần hết do một số người mang máy phát ra tiếng chim đến rồi giăng võng bắt. Có người lại dán keo lên cây để chim đậu thì dính vào rồi bắt…  "Mình la không ăn thua, phải nhờ người dữ dữ nói thì họ mới chịu đi cho. Đất lành thì chim đậu chứ quấy phá, vây bắt thì nó sẽ không lại nữa đâu”, chị Hương nói.

Đàn chim bồ câu và chim sẻ đặc biệt ở chợ Hòa Bình - ảnh 2
Thóc tới đâu bồ câu tới đó. Ảnh: HOÀNG LAN

Gần gũi với đàn chim lâu ngày, chị Hương hiểu thói quen của từng loài. Mỗi trưa đói bụng, đàn bồ câu lại đến đậu đầy dây điện, còn chim sẻ thì đậu kín nóc trụ điện chờ ăn. Đợi khi thưa người qua lại, chị Hương mới đem thóc rải xuống cho chim. Mỗi ngày, chị cho chúng ăn hai lần vào lúc hơn 12 giờ và khoảng 14 giờ. Có những buổi trưa chị mệt quá ngủ gục thì được người xung quanh nhắc: “Hương ơi, dậy cho chim ăn. Chim đang biểu tình kìa!”.

Đàn chim bồ câu và chim sẻ đặc biệt ở chợ Hòa Bình - ảnh 3
Chim sẻ ăn sau chim bồ câu. Ảnh: HOÀNG LAN

Là một người yêu chim nên mỗi lần chờ chở vợ bán ở chợ về, ông Bảo lại thường ngắm đàn chim. Ông bảo: “Nhìn tụi nó hồn nhiên, vô tư dễ sợ. Ở quê chim nhiều vô số chứ ở thành phố hiếm thấy lắm. Mấy con chim này cũng may mắn khi có người tốt bụng cho ăn chứ thức ăn ở thành phố chắc chắn là khó tìm hơn ở quê. Ở đây, người ta không bắt chứ như ở chỗ khác mà tôi biết, hễ thấy chim là người ta rải gạo cho ăn rồi con chim bị sập bẫy lúc nào không hay. Họ cũng bắt để bán lại cho người đi phóng sanh, rất tội nghiệp”.

Đàn chim bồ câu và chim sẻ đặc biệt ở chợ Hòa Bình - ảnh 4
Chim sẻ và chim bồ câu đối xử với nhau rất chan hòa. Ảnh: HOÀNG LAN

Ngơi tay giữa trưa, anh Hiền, công nhân vệ sinh xí nghiệp công ích quận 5, chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng ra đây ngồi nghỉ nhìn mấy con chim ăn là thấy thư thái trong lòng. Trước khi có chị bán gạo rải lúa cho chim ăn thì có anh xe ôm thường hay mua lúa rải cho ăn, nay ổng hay đi chở khách nên chị này thường cho ăn. Gặp mấy đứa nhỏ lùa chọc chim, ông rất hay la”.

Ăn no nê xong, lũ chim lại tỏa đi mỗi hướng. Nhưng chắc chắn mỗi trưa chúng sẽ tìm về lại nơi chốn bình yên trước sạp bán gạo quen thuộc của chị Hương.  

Huế: Người dân dựng lán trại chống cát tặc trên sông

Cánh đồng lớn hàng trăm ha hơn 20 năm ‘nói không’ với thuốc bảo vệ thực vật​

Theo PLO