Đưa khoa học – công nghệ mới vào đồng mía

Quảng Ngãi có truyền thống trồng mía và chế biến mía đường lâu đời. Không phải ngẫu nhiên mà những năm 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ trước, người Nhật lại đầu tư một nhà máy đường có công suất 1.500 tấn mía/ngày (TMN) hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ trên đất Quảng Ngãi.  

Cây mía trên đồng đất Quảng Ngãi

Sau năm 1975, thời bao cấp cũng như những năm đầu đổi mới, nhà máy đường này đã cung cấp cho xã hội một lượng đường tuy còn khiêm tốn nhưng rất có giá trị trong giai đoạn đất nước còn nhiều thiếu thốn. Đối với người dân Quảng Ngãi lúc đó, cây mía chẳng những xóa đói giảm nghèo mà còn giúp cho nhiều người có nhà mới, xe máy, có điều kiện để con cái được học hành…

mia-1_ww220

Trong khí thế hưng phấn, Quảng Ngãi lại có thêm một nhà máy đường mới cùng cả nước với “phong trào mỗi tỉnh có nhà máy đường, có trường đại học”. Để rồi, với xu thế hội nhập sâu vào kinh tế thị trường, cây mía không còn thế độc tôn bởi cây mì, cây dưa, cây keo … lấn chiếm. Bên cạnh đó, đường ngoại nhập với thế thượng phong về chất lượng và giá cả, làm cho ngành mía đường trong nước đứng bên bờ vực thẳm, vì vậy đường Quảng Ngãi cũng không thoát qua khỏi qui luật này.

Cho dù tỉnh Quảng Ngãi có nhiều chủ trương quan tâm đến cây mía, thế nhưng mấy chục năm qua, cây mía Quảng Ngãi bình quân chưa qua vượt qua “cửa ải” 60 tấn mía cây/ha. Hệ quả đưa lại là người trồng mía thu nhập thấp, nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất, diện tích mía ngày càng thu hẹp, giá thành không cạnh tranh nổi với đường nhập ngoại buộc chủ doanh nghiệp phải chuyển nhà máy và có giải pháp khác…

Sau khi cổ phần hóa (2006), cùng với các chính sách thông thoáng của Nhà nước, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã hoạch định chiến lược đưa khoa học – công nghệ mới vào ngành mía đường. Và công ty bước đầu đã thành công trên vùng đất An Khê (Gia Lai) với đồng mía hiện tại trên 25.000ha và nhà máy đường có công suất 18.000 TMN. Ở Quảng Ngãi, ngoài cây mỳ, cây dưa, cây keo… có những vùng đất không biết trồng cây gì ngoài cây mía.  

Cơ giới hóa đồng mía

Nhưng cây mía năng suất lại thấp chẳng lẽ lại phải chuyển nhà máy 2.500 TMN đi nơi khác, trong khi Quảng Ngãi còn diện tích đất đai rộng lớn và nhất là một bộ phận không nhỏ người dân còn gắn bó với cây mía. Vấn đề đặt ra là làm sao áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đưa năng suất mía lên để người trồng mía có thu nhập cao, doanh nghiệp có sức cạnh tranh và Quảng Ngãi có ngành sản xuất mía đường ổn định.

Nói thì dễ, làm mới khó. Theo ông Tạ Công Tường, nguyên Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong – người tâm huyết với cây mía, ròng rã nhiều năm đi vận động để đưa khoa học – công nghệ vào đồng mía như Cty CP Đường Quảng Ngai đã làm tại đồng mía ở An Khê (Gia Lai). Vụ SX vừa qua, Quảng Ngãi có gần 600ha mía được thực hiện theo mô hình “cánh đồng lớn” ở một số huyện trong tỉnh.

Điển hình có thể kể đến 23ha mía ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn) bình quân năng suất đạt 82 tấn/ha có nơi trên 100 tấn/ha; thị trấn Mộ Đức 30ha… Đặc biệt là ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) có 2 chị em chị Võ Thị Vân dám thuê 30 triệu đồng/ha với gần 30ha đất để trồng mía. Năm đầu dù bị nắng hạn, chuột phá và cả “người phá” (cắt ngọn, lá cho bò ăn) nhưng trừ chi phí vẫn còn lãi hàng chục triệu đồng.

Đây cũng là một điển hình để xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp tại nông thôn, bởi tuổi trẻ có kiến thức kinh doanh, có tư duy mới dám đương đầu với khó khăn đưa khoa học- công nghệ vào đồng ruộng để làm giàu thì rất đáng quý.

Cũng theo ông Tường, để có năng suất mía cao như thế, người trồng mía phải theo qui trình khép kín của Cty. Đó là làm đất, trồng, bón phân, chăm sóc và thu hoạch đều bằng cơ giới. Nhưng điều kiện hàng đầu là phải có đất tập trung, không bờ vùng, bờ thửa, chí ít phải có từ 10 – 20ha trở lên.

Bên cạnh đó phải có giống mía tốt do Nhà máy và Trung tâm Giống mía Nghĩa Hành khảo nghiệm từ thực tế để chọn lọc. Cơ giới hóa, đất sẽ được cày sâu ngoài việc giữ ẩm chống chọi với nắng hạn còn khơi dậy được chất hữu cơ nằm im trong lòng đất.

Phân bón được một Cty Nhật Bản nghiên cứu cung cấp chuyên bón cho cây mía. Khi bón bằng máy, phân được lấp dưới đất từ khi trồng cũng như chăm sóc làm cho chất lượng phân không bị mất đi, chẳng những năng suất mía tăng mà mỗi ha mía còn giảm được 200kg phân bón. Khi thu hoạch mía bằng máy, ngoài năng suất tăng cao còn nhiều lợi ích khác như thời gian vận chuyển mía về nhà máy nhanh, lưu gốc vụ sau tốt, rác mía được trả lại cho đất để làm phân…

Ông Tường cũng cho biết, để một vùng đất có từ 20ha mía trở lên cần phải tích tụ ruộng đất. Tập trung đất theo kiểu Nhà máy đã từng làm nhưng không thành công, nghĩa là mời tất cả bà con có đất vào để cùng canh tác. Do đất manh mún, tìm được 20ha mỗi vùng đã có hàng trăm chủ hộ, chỉ 5 – 7 người không đồng ý coi như thất bại vì cơ giới không thể thực hiện trên cánh đồng da beo.

Qua thực tiễn đã làm, nếu đất công thì phải đấu thầu thuê đất (như ở thị trấn Mộ Đức) nếu đất tư nhân thì phải thuê (như ở Nghĩa Lâm – Tư Nghĩa; Phổ Cường – Đức Phổ). Người thuê đất y như giám đốc của một doanh nghiệp, chịu trách nhiệm thuê đất của dân theo giá thị trường và ký hợp đồng với Nhà máy để thực hiện canh tác theo qui trình. Nếu làm đúng qui trình, năng suất mía cây trên 80 tấn/ha thì người thuê đất được hưởng, nếu dưới 80 tấn/ha Nhà máy sẽ bảo lãnh cho đủ 80 tấn/ha.

Theo Nongnghiep.vn