Không độc hại như hóa chất nhưng vị ngọt tàn phá sức khỏe bạn như thế nào?

Nếu đã trót ăn nhiều đường và chưa biết đến những tác hại của nó, ngay từ bây giờ bạn hãy học cách hạn chế ăn đường và những đồ ăn thức uống chứa nhiều đường.

Đường tiêu hóa như thế nào?

Theo TS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam đường là nguồn cung cấp carbohydrate và năng lượng cho cơ thể.

1g đường sẽ cung cấp cho cơ thể 4 calo, tương đương 1 thìa cà phê đường sẽ sẽ cung cấp 16 calo cho cơ thể. Đường là một chất cần thiết cho hoạt động chức năng bình thường của cơ thể bởi đường tạo ra năng lượng để chúng ta hoạt động.

Ngoài ra, đường là một loại carbohydrate (carb), khi carb được nạp vào cơ thể sẽ kích thích não bộ sản xuất ra serotonin- một chất gây hưng phấn cho các tế bào thần kinh có tác dụng chi phối các hoạt động hàng ngày của con người như tâm trạng, chức năng tình dục, giấc ngủ, trí nhớ học tập, sự thèm ăn.

Đường được hấp thu trực tiếp vào máu nên có thể có khả năng tăng cường năng lượng rất nhanh, điều này đặc biệt có ích trong những trường hợp mệt mỏi, hạ đường huyết, tụt huyết áp.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng đường sẽ gây hại bởi vì bình thường máu của chúng ta chứa một lượng đường cần thiết khoảng 0,8-1.2g/l, dưới dạng glucose.

Glucose sẽ bị đốt cháy hay dự trữ trong tế bào để cung cấp năng lượng cho các cơ quan khi cần thiết.

Đường được tiêu hóa và hấp thu vào máu, nhưng để vào được bên trong tế bào nó cần có hormone insulin – đây là hormone được sản xuất và điều hòa bởi tuyến tuỵ.

Nếu hormone insulin không đủ hoặc hoạt động không hiệu quả, glucose sẽ không vào bên trong tế bào được sẽ tích luỹ trong máu.

Nếu lượng đường >1,8g/l nó sẽ bị thải qua nước tiểu. Mặt khác, những tế bào bị thiếu glucose sẽ phải dùng những chất đốt dự trữ khác.

Khi ăn nhiều đường, uống nhiều nước ngọt, ăn nhiều kẹo, bánh ngọt, đường được hấp thụ vào máu rất nhanh, đường huyết tăng đột ngột, khiến tụy phải hoạt động nhiều (tuyến tụy giải phóng insulin để điều chỉnh đường huyết).

Nếu sự kiện này diễn ra liên tục, trong thời gian dài, đặc biệt là ở người cao tuổi, tụy hoạt động quá tải sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, TS Sơn nhấn mạnh khi ăn quá nhiều đường, đường sẽ được hấp thu tại ruột non, đi vào hệ tuần hoàn và tới thẳng gan.

Gan là cơ quan duy nhất có thể chuyển hóa phân tử đường. Nếu lượng đường tiêu thụ vượt quá khả năng chuyển hóa của gan, thì gan sẽ không còn cách nào khác là chuyển hóa lượng đường thừa này thành chất béo.

Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, khi gan chuyển hóa đường thành chất béo và gan bị phơi nhiễm với chất béo sẽ gây ra tình trạng kháng insulin.

Tình trạng này có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ và hội chứng chuyển hóa. Hội chứng chuyển hóa là một hội chứng bao gồm các bệnh như tiểu đường typ 2, cao huyết áp, các vấn đề về chất béo, bệnh tim mạch, ung thư hoặc mất trí.

Người Việt sử dụng nhiều đường

Số liệu của Bộ Công thương và tổ chức Euromonitor International cho thấy hiện mỗi năm người Việt tiêu thụ gần 5 tỷ lít nước ngọt, tỷ lệ tiêu thụ theo đầu người đã tăng lên nhanh chóng, gấp 7 lần trong 15 năm qua, mạnh nhất là trà uống sẵn và nước có ga, đồ uống thể thao, nước tăng lực và cuối cùng là nước ép trái cây.

Kết quả hình ảnh cho vị ngọt tàn phá sức khỏe bạn như thế nào?

Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5 g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25g/ngày theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới – WHO.

Còn qua điều tra về mức sống của hộ gia đình Việt Nam cho thấy 62,86% số hộ gia đình có tiêu dùng nước giải khát có đường.

Kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh năm 2013, tỷ lệ học sinh Việt Nam thường xuyên sử dụng đồ uống có ga trong 30 ngày của lứa 13-17 tuổi trung bình là 31,1%, trong đó trẻ em nam là 35,1%, trẻ em gái là 27,6%.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đồ uống có đường mang thêm năng lượng ngoài khẩu phần ăn, đồng thời có thể mang lại cảm giác sảng khoái, ngon miệng, ăn được nhiều đồ ăn hơn đặc biệt là đồ chiên, nướnggây dư thừa năng lượng dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa, là nguy cơ cho các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Biến chứng nặng nề là bệnh tim mạch, nguyên nhân tử vong hàng đầu hiện nay, chiếm tới 33% nguyên nhân tử vong hàng năm.

Số liệu điều tra toàn quốc yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm của Bộ Y tế năm 2015, hiện có 15,6% số người dân Việt Nam bị thừa cân béo phì (BMI≥25) và không có sự khác biệt giữa nam và nữ, tuy nhiên tỷ lệ này cao hơn ở thành thị (21,3%) so với nông thôn (12,6%).

Số liệu của WHO cho thấy tình trạng thừa cân ở trẻ và vị thành niên từ 5 đến 19 tuổicũng có xu hương gia tăng nhanh chóng ở cả hai giới từ 2,6% (cả nam và nữ tương đương nhau) năm 2002 lên 9,7% (11,7% với nam và 7,6 với nữ) năm 2016, tăng 273%.

Để hạn chế hệ lụy cho sức khỏe người dùng, WHO khuyến cáo lượng đường tự do trong chế độ ăn của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe.