Mẹo nhỏ giúp bạn “chữa cháy” khi nấu cơm gặp sự cố

Bát cơm dẻo thơm nóng hổi làm bữa ăn hàng ngày cũng ngon miệng hơn. Nhưng cũng có lúc việc nấu cơm không như ý khiến nồi cơm bạn nấu ra bị khô, nhão, khê hay sống.

1. Cơm khô, sống

Nồi cơm bị khô, sống là do không đủ nước, đây là vấn đề dễ khắc phục nhất trong các “sự cố” nấu cơm. Bạn chỉ cần nhanh tay xới toàn bộ nồi cơm cho tơi ra rồi vẩy chút nước ấm lên và đóng nắp nồi lại tiếp tục bật nút nấu (cook) một lần nữa.

Lưu ý, bạn cần nhanh tay để nồi không bị mất nhiệt, khiến cơm bị cứng.

Với nồi cơm bị sống do không đủ nhiệt thì cách xử lý sẽ hơi khác một chút. Bạn cần xới cho tơi rồi chuyển qua một nồi khác, vẩy chút rượu trắng theo tỉ lệ 1 rượu: 10 cơm và để mở nắp nồi, đặt lên bếp đun lửa nhỏ cho đến khi rượu bốc hơi, không còn mùi rượu nữa là cơm đã đủ chín. Khi đó hạt cơm vừa mềm vừa không bị mùi.

2. Cơm nhão

Cơm nhão là do cho nước quá tay. Khi đó, hãy dùng ruột bánh mì để “chữa cháy”. Bởi ruột bánh mì thấm hút nước rất tốt nên khi bạn cho một lớp ruột bánh mì lên bề mặt cơm, chúng sẽ giúp hút bớt nước thừa trong cơm.

Đồng thời, trong lúc nấu thường xuyên mở nắp, lau nước đọng trên nắp vung và xới cơm ra bát sau khi cơm chín để hơi nước thoát bớt ra ngoài cũng là cách hữu hiệu giúp cơm đỡ bị nhão hơn.

3. Cơm khê

Cơm khê là tình trạng xảy ra khi nấu bằng bếp lửa mà để lửa quá lớn hoặc nồi cơm điện bị hỏng lẫy ủ (warm) khiến cơm bị cháy khét, có mùi khó chịu.  Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể thử các cách sau:

– Tắt bếp, mở nắp nồi đặt một miếng bánh mì vào và đậy nắp lại trong khoảng 5 phút, để bánh mì hút bớt mùi khét của nồi cơm.

– Đặt một chén nước nguội vào giữa nồi cơm, ấn nhẹ chén nước cho nó chìm xuống vùi vào nồi, đậy nắp vung lại đun trong 2-3 phút ở lửa nhỏ, mùi khê sẽ biến mất.

– Ngắt điện/tắt bếp, cho vào nồi vài khúc hành lá tươi rồi đậy nắp vung lại, chờ 5 phút để hành khử bớt mùi khê rồi bỏ hành ra là được.

– Cho 1 viên than củi vào bát con và đặt bát con ấy vào giữa nồi, đậy nắp chờ 10 phút, than củi sẽ giúp hút hết mùi khê của cơm.

Lưu ý: Khi cơm bị khê, lớp cháy bên dưới sẽ vừa đen vừa có mùi khê nặng nhất, vậy nên bạn nên xới cơm cẩn thận để tránh xới phải lớp cơm khê này.

4. Cơm nguội, cơm để tủ lạnh

Tất nhiên, cơm nấu bữa nào ăn luôn bữa đó là tốt nhất. Nhưng nếu bạn lỡ nấu thừa cơm thì cũng không cần đổ đi mà có thể để hấp ăn tiếp vào bữa sau. Hãy xới tơi nồi cơm, để nguội hoàn toàn rồi cho vào tủ lạnh bảo quản. Khi hấp thì vảy chút nước ấm, rắc chút muối lên và bật nồi cơm điện ở nút nấu như bình thường là được.