Tư vấn chọn giống tái canh cà phê

Hỏi: Nhà tôi chuẩn bị tái canh cà phê, xin chuyên gia tư vấn cho tôi các vấn đề về mua, chọn giống để tái canh có hiệu quả.

Trả lời:

Đầu mùa mưa, khi mưa đã ổn định, là giai đoạn người sản xuất cà phê bắt đầu trồng cà phê tái canh. Tái canh hiện nay là một thách thức của người trồng cà phê khi nảy sinh nhiều vấn đề về vốn, sâu bệnh hại…vv ảnh hưởng đến tỷ lệ tái canh thành công. Tuy nhiên, cơ hội lớn nhất của tái canh là việc có thể thay thế các vườn trồng giống cũ trước đây bằng các giống cà phê mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng kháng, chống chịu với các bệnh nguy hiểm (như gỉ sắt..) tốt hơn.

Hiện tại, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã có trên 11 giống cà phê vối, 5 giống cà phê chè đã được công nhận phổ biến cho sản xuất ở Việt Nam. Ngoài ra, các tỉnh như Lâm Đồng, Đăk Nông cũng công nhận một số cây đầu dòng có đặc tính tốt để phổ biến trồng tại các địa phương đó.

tai-canh-ca-pheẢnh minh họa

Để đảm bảo tái canh hiệu quả, ngoài các việc tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật trong quy trình tái canh, các vấn đề về giống khi tái canh bà con cần lưu ý bao gồm:

+ Giống phải đảm bảo chất lượng di truyền: giống trồng phải đã được khảo nghiệm và công nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền, không nên sử dụng giống do dân tự chọn tại vườn nhà, tự ươm, hay mua tại các cơ sở sản xuất cây giống không đảm bảo (nguồn giống không tốt, không có vườn sản xuất chồi giống, hạt giống đạt chuẩn về mặt khoa học).

+ Giống phải phù hợp về điều kiện sinh thái và canh tác: ngoài các giống của Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã được khảo nghiệm đại trà ở các vùng trồng cà phê chính ở Việt Nam và chứng tỏ có khả năng thích nghi rộng với điều kiện sinh thái và tập quán canh tác thì các giống đầu dòng của các địa phương  như Lâm Đồng, Đăk Nông chỉ mới chứng tỏ là phù hợp với điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của địa phương đó. Vì vậy nên cẩn trọng khi phát triển ồ ạt các giống của các địa phương này ở các địa phương khác có đặc điểm sinh thái và canh tác khác. Ví dụ: các giống của Lâm Đồng phù hợp với khí hậu mát mẻ, tạo hình đa thân, mùa khô ngắn, nếu đem trồng ở các nơi có điều kiện khác thì có thể sẽ không mang lại hiệu quả cao.

+ Chất lượng cây giống, bầu giống phải đảm bảo tiêu chuẩn: cây giống khi xuất vườn phải có các tiêu chuẩn theo quy định để đảm bảo sự thành công (chiều cao, số lá, cành..vv). Ngoài ra, nếu mua cây giống mà không đảm bảo về mặt sạch sâu bệnh hại (tuyến trùng và nấm có nhiều trong đất ươm bầu) thì sẽ là một nguyên nhân làm cho vườn cà phê tái canh không thành công.

Vì vậy, để có được cây giống chất lượng phục vụ tái canh, xét trên điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác cà phê tại Gia Lai, Đăk Lăk, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên khuyến cáo bà con có thể tham khảo và sử dụng các giống cà phê sau để tái canh:

+ Giống cà phê thực sinh TRS1

+ Giống cà phê ghép TR4, TR9 hay TR11

Đây là những giống cà phê có khả năng sinh trưởng khỏe, phát cành thứ cấp mạnh, có khả năng kháng bệnh gỉ sắt rất cao. Năng suất của các giống này có thể đạt 6-7 tấn cà phê nhân/ha với tỷ lệ hạt R1 > 80. Lưu ý nên mua cây giống tại các cơ sở sản xuất giống được cấp phép và có uy tín. Nếu trồng giống ghép thì nên trồng tối thiểu 2 giống trong một vườn để có thể cho năng suẩt cao nhất.

Theo Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên