Thu nhập từ nuôi ngan

Ngan (còn có tên gọi khác là vịt xiêm), là gia cầm quen thuộc trong các gia đình. Nhất là đối với bà con vùng sâu Đồng bằng sông Cửu Long, hầu như nhà nào cũng nuôi vài cặp ngan. Tuy nhiên, không nhiều nhà nuôi thành đàn lớn, trong khi giá trị kinh tế do nuôi ngan đem lại là khá lớn.

Thu nhập từ nuôi ngan

Nuôi ngan Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong các loài gia cầm, nhiều giống ngan có hiệu quả nuôi khá cao. Có giống ngan mới chỉ nuôi chưa đầy 3 tháng mà đã nặng tới gần 5kg/con. Chính vì thế, gần đây nhiều gia đình đã đầu tư nuôi ngan đàn, thả vườn, thả ao, kể cả nuôi nhốt.

Ngan dễ nuôi, nhanh lớn, tiêu tốn ít thức ăn, tỷ lệ nuôi sống cao mà giá cả cũng rất hợp lý. Tuy nhiên, để nuôi ngan quy mô lớn, trước hết cần lo dựng chuồng trại: xa khu dân cư, mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Nên có “sân chơi” cho ngan, với diện tích rộng gấp đôi chuồng nuôi. Việc chọn giống ngan phải được thực hiện ngay từ khi ngan mới nở. Đó là chọn những con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông tơi bông, mắt sáng, bụng gọn, chân mập, cứng cáp, dáng đi vững vàng.

Tại vùng sâu Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ chăn nuôi giống ngan Pháp để nuôi. Giống này lớn nhanh, thịt chắc, có nhiều loài như: R31, R31, R71, R71 SL và giống siêu nặng. Tiêu tốn thức ăn cho 1 cân tăng trọng khoảng từ 2,7-2,9kg. Con mái nuôi trên 70 ngày tuổi đã đạt khoảng 2,4-3kg, còn con đực sau 85 ngày nuôi đạt từ 4,5-5,5kg. Tốc độ tăng trọng này vượt xa các loại gà, vịt khác.

Kinh nghiệm chăn nuôi ngan Pháp được bà con đúc kết là: Nếu chọn ngan cái để đẻ thì nó phải có mào đỏ, thân hình thanh gọn, cân đối, bụng mềm, lỗ huyệt ướt, lông sáng, vùng xương chậu nở rộng. Còn con trống thì phải to khỏe, khối lượng đạt 4-5kg/con, mào đỏ, dáng hùng dũng, có phản xạ tốt.

Khi nuôi ngan đẻ phải cho chúng ăn với chế độ riêng. Thức ăn phải đủ dinh dưỡng, đủ lượng calo, hàm lượng đạm cao, cho ăn đều ăn 2 bữa/ngày.

Một nông dân nuôi ngan ở Kiên Giang cho biết, ông chỉ nuôi ngan mái chứ không nuôi ngan trống vì ngan mái nuôi xuất chuồng phù hợp với nhu cầu sử dụng và túi tiền của các gia đình nông thôn hơn, do khối lượng chỉ khoảng 2,3 – 2,5kg/con, nên rất dễ bán. Ông cũng làm sàn inox cho ngan ở là để giúp cho công việc vệ sinh chuồng trại được dễ dàng hơn, tạo thêm được môi trường thoáng mát cho ngan sinh trưởng, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Gia đình ông nuôi 800 con ngan Pháp, mỗi tháng lãi thu được tới 40 triệu đồng.

Theo các kĩ sư chăn nuôi cùng với kinh nghiệm của những người nuôi ngan thành công thì bà con có thể áp dụng một số biện pháp kĩ thuật sau đây:

Trước tiên là chọn giống: Giống tốt là giống được mua từ các cơ sở sản xuất có uy tín. Con giống phải khỏe mạnh, mắt sáng, lông tơi bông, bụng gọn, chân mập, không hở rốn, không dị tật. Nuôi các dòng ngan Pháp R31 hoặc R71 là tốt nhất, vì có tỷ lệ thịt cao (68-70%), chất lượng thịt tốt.

Ngan nuôi ở giai đoạn trên 40 ngày tuổi hay mắc bệnh rụng lông, tuy không chết nhưng sẽ bị còi cọc. Để khắc phục cần tiêm vắc-xin phòng dịch, đảm bảo thức ăn, nước uống, chuồng trại luôn sạch sẽ và hợp vệ sinh, bổ sung thêm thức ăn cho ngan.

Chuồng trại nuôi ngan phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp vệ mùa đông. Thông dụng nhất hiện nay là nuôi ngan trên sàn lưới thép. Sàn làm cách biệt mặt nền 1 viên gạch nghiêng hoặc 2 viên gạch nằm. Nền chuồng cũng phải có thảm bê tông láng bóng, để tiện cho bơm nước phụt rửa vệ sinh sàn/nền 2-3 lần/ngày.

Vào những ngày nắng nóng oi nồng, cần phun nước làm mát mái chuồng và bật quạt thông gió trong trại ngan, kết hợp với tắm cho ngan 1-2 lần/ngày. Mùa đông có thể 1-2 ngày mới tắm cho ngan 1 lần, tùy theo thời tiết.

Bà con lưu ý: Định kỳ 5 đến 10 ngày/ 1 lần phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, 1 tháng/lần rắc vôi bột quanh khu vực chăn nuôi.