Mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản quay vòng giúp đồng bào nghèo vươn lên

Nằm trong hợp phần của dự án Trường học an toàn do Chính phủ Na Uy tài trợ, mô hình nuôi lợn nái sinh sản quay vòng (hay mô hình sinh kế) được Văn phòng Plan tỉnh Hà Giang lựa chọn triển khai tại các xã Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn, Lũng Pù (Mèo Vạc) đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Từ cách triển khai cụ thể, khoa học

Để triển khai mô hình, Văn phòng Plan Hà Giang đã làm việc cụ thể với Ban điều hành dự án Plan của ba xã Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn, Lũng Pù, thông báo về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của dự án đem lại.

21-37-13_img_0317
Văn phòng Plan Hà Giang xuống kiểm tra các hộ được hỗ trợ nuôi lợn nái sinh sản quay vòng

Sau đó, xuống các thôn họp bầu ra Ban dự án phát triển thôn gồm 3 người và tổ chức họp thôn bình xét dân chủ, công khai, ưu tiên bầu những hộ nghèo được hỗ trợ nuôi đợt 1. Tiến hành xem xét tiếp đến các hộ trung bình.

Năm 2017, Văn phòng Plan đã phối hợp lựa chọn được 99 hộ nghèo tại 6 thôn của 3 xã nói trên để triển khai trước. Đồng thời, chủ động phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn sinh sản, ủ chua thức ăn cho các hộ, trong đó chú trọng từ khâu chọn giống, tiêm vacxin phòng chống dịch bệnh và chuẩn bị thức ăn cho lợn. Mỗi khâu đều được cán bộ chuyên môn hướng dẫn tỉ mỉ theo cách “cầm tay chỉ việc” để người dân dễ hiểu.

Văn phòng Plan hỗ trợ 70% kinh phí, còn người dân tự đối ứng thêm 30% để mua lợn giống. Mỗi hộ được mua 1 con lợn nái sinh sản là giống lợn đen Lũng Pù có giá trị không quá 2 triệu đồng, ở thôn lân cận, không mua lợn ở chợ.

Điểm đáng chú ý, trước khi nhận nuôi, các hộ đều phải ký cam kết: Khi nuôi không được tự ý giết mổ, khi lợn ốm, lợn chết phải báo ngay cho Ban dự án phát triển thôn. Nếu không báo mà để xảy ra lợn chết thì gia đình phải tự bỏ tiền ra mua lợn giống tương đương với giá trị lợn được hỗ trợ.

Ngay sau đó, xã tiến hành mời tất cả người bán, người mua tập trung tại trụ sở thôn để bàn giao tiền theo hình thức tay ba và cử cán bộ thú y xã bấm thẻ tai nhằm thuận tiện theo dõi, quản lý. Hàng tháng, cán bộ Văn phòng Plan và trưởng thôn đều xuống kiểm tra. Cán bộ thú y xã cũng thường xuyên đến kiểm tra định kỳ đối với lợn mang thai và động viên, khích lệ chủ hộ nâng cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm chăm sóc để lợn sinh trưởng tốt hơn.

Đến hiệu quả thiết thực cần nhân rộng

Sau một năm triển khai mô hình, đến nay hầu hết số lợn được hỗ trợ đều sinh trưởng tốt. Có dịp cùng cán bộ Văn phòng Plan đến thăm các hộ dân tại thôn Lũng Lừ A, xã Lũng Pù, tôi không khỏi ngạc nhiên về hiệu quả của chương trình.

Từ sự hỗ trợ của Văn phòng Plan cho 17 hộ với kinh phí 22,5 triệu đồng cộng thêm phần đối ứng của các gia đình, mua được 17 con lợn nái sinh sản. Sau một năm chăn nuôi đàn lợn đã sinh sản tăng lên 42 con và luân chuyển 5 con lợn giống cho 5 hộ được hưởng lợi. Do đó, từ số tiền 135 triệu đồng hỗ trợ cho 99 hộ nghèo tại 6 thôn của 3 xã, mua được 99 con lợn nái sinh sản. Đến nay, giá trị đàn lợn của 3 xã đã tăng lên 480 triệu đồng.

21-37-13_img_0291
Mô hình nuôi lợn nái sinh sản quay vòng của anh Thò Mí Na ở xã Lũng Pù phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực

Để minh chứng về hiệu quả của mô hình này, anh Sùng Mí Nà, Trưởng thôn Lũng Lừ A dẫn chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn nái quay vòng của gia đình anh Thò Mí Na được dự án hỗ trợ 1 triệu đồng cộng với phần đối ứng 500 nghìn đồng của gia đình, anh đã mua được 1 con lợn giống với giá 1,5 triệu đồng vào tháng 8/2017.

Sau một năm nuôi, lợn đã đẻ được 7 con. Anh đã bán 3 con được 3 triệu đồng, 3 con để nuôi và 1 con lợn giống luân chuyển cho hộ khác. Từ lứa thứ hai trở đi, anh được sở hữu toàn bộ đàn lợn và không phải luân chuyển nữa.

Đến thăm hộ Thò Mí Mình nuôi lợn nái đẻ được 6 con sinh trưởng tốt, đã bàn giao con giống cho hộ anh Sùng Mí Lía. Điểm nổi bật của mô hình này là các hộ nhận nuôi từ đợt thứ 2 trở đi sẽ phải đóng góp 30% giá trị con lợn giống cho Ban dự án phát triển thôn để sử dụng số tiền đó vào việc mua vacxin tiêm phòng, thuốc chữa bệnh cho gia súc khi bị ốm hoặc hỗ trợ cho chủ có lợn đực phối giống cho lợn nái sinh sản, mà các hộ không phải trả tiền. Cứ như vậy, mô hình lợn nái sinh sản quay vòng được nhân rộng ra khắp thôn, tạo thành phong trào chăn nuôi trong nhân dân.

Từ thành công bước đầu của mô hình, tháng 6/2018 Văn phòng Plan Hà Giang tiếp tục nhân rộng ra 126 hộ của 8 thôn tại 4 xã dự án gồm: Lũng Chinh, Lũng Pù, Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn, với kinh phí hỗ trợ 192 triệu đồng, góp phần giúp đỡ cho nhiều hộ nghèo phát triển chăn nuôi gia súc, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống bằng chính sức lao động của mình.