Tấm gương khởi nghiệp từ quê nhà

Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, ngoài số vốn ít ỏi cùng sự liều lĩnh, gan dạ và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Trương Thế Đô (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) trở thành ông chủ của hàng nghìn m2 đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với thu nhập bình quân mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng. 

Anh Trương Thế Đô chăm sóc vườn dưa lưới của mình.

Chia sẻ về câu chuyện lập nghiệp, anh Trương Thế Đô cho biết: Năm 2017, sau nhiều năm bươn trải với rất nhiều công việc khác nhau, kể cả đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài, tôi nhận ra rằng, làm giàu không nhất thiết phải vào Nam ra Bắc mà có thể bắt đầu ngay tại quê nhà. Cũng từ đó, ý tưởng về một trang trại nông nghiệp sạch đã bắt đầu manh nha. Tính toán và tìm hiểu tại nhiều mô hình ở trong cả nước, tôi bắt đầu khởi nghiệp bằng mô hình nuôi ngan sao – sản phẩm OCOP của địa phương với số vốn ban đầu 500 triệu đồng nhờ tích góp và vay mượn”.

Những ngày đầu khởi nghiệp, kinh nghiệm còn non, vốn cũng eo hẹp, lại phải vừa làm vừa gây dựng uy tín, thương hiệu nên anh Đô gặp không ít khó khăn. Ngoài tìm hiểu kinh nghiệm từ người dân trong vùng, anh cũng chịu khó học hỏi từ sách báo, mạng internet về kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi, đến kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, mô hình nuôi ngan sao của anh phát triển tốt, dần mở rộng quy mô. Có vốn, anh Đô lại tiếp tục quay vòng, tìm hiểu thêm những mô hình nông nghiệp mới, trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu của địa phương và ứng dụng tiến bộ KHKT.

Khởi nghiệp từ nuôi ngan sao, anh Đô mở rộng mô hình trang trại theo hướng nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.

“Bước ngoặt trong hành trình khởi nghiệp của mình có lẽ đến từ việc triển khai mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao. Nhận thấy tiềm năng từ sản phẩm nông nghiệp sạch, năm 2019, tôi bắt tay thử nghiệm mô hình, với hơn 1.500m2 ban đầu. Sau khoảng 3 tháng dưa được thu hoạch và có lãi. Từ thành công đầu tiên, tôi cũng mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dưa nhà màng lên 2.000m2, từ đó đến nay, mỗi năm đều đặn 3 vụ dưa lưới, trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ 400-600 triệu đồng. Chất lượng dưa tốt, được tiêu thụ nhiều trên địa bàn và các tỉnh lân cận cũng như xuất bán sang thị trường Trung Quốc” – Anh Đô cho biết.

Không dừng lại ở mô hình trồng dưa lưới, anh Đô tiếp tục quy hoạch lại đất đai, vườn tược, mở rộng diện tích đất canh tác và trồng thêm măng tây, mới đây nhất là trồng dâu tây trong nhà màng với quy mô trang trại lên đến gần 5.000m2. Nhận thấy sự ưu việt của KHCN, anh tìm hiểu, đầu tư máy móc, thiết bị như: Quạt gió, đèn chiếu sáng, tưới tiêu và bón phân tự động nhằm giảm bớt nhân lực, kiểm soát tốt yếu tố môi trường, dịch bệnh để nâng cao sản lượng, chất lượng rau, quả; tận dụng lợi thế mạng xã hội để kinh doanh, tìm kiếm bạn hàng, đối tác. Anh cũng thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Anh Trương Thế Đô trở thành tấm gương thanh niên điển hình trong vượt khó phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương với mức thu nhập mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng.

Mô hình trang trại tổng hợp của anh Trương Thế Đô đã mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình anh.

Anh Đô nói: “Khởi nghiệp từ làng, có thể rất khó khăn nhưng bù lại mình nhận được nhiều sự đồng hành, vì bên cạnh luôn có gia đình, anh em, bạn bè cũng như chính quyền, đoàn thể. Ngoài sự kiên định trên con đường mình đã chọn, thì việc luôn có điểm tựa tinh thần sẽ giúp những người trẻ càng vững tin hơn trong hành trình khởi nghiệp”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Đô cũng luôn tích cực tham gia hoạt động xã hội, đoàn thể, các phong trào do Đoàn thanh niên huyện, xã phát động; thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, động viên, khuyến khích các bạn ĐVTN trong thôn, xã vươn lên lập nghiệp.