Chuồng bò 510 triệu ở Nghệ An: Sao nhiều tiền thế?

Người trong giới xây dựng khẳng định, với kết cấu chuồng bò loại 1 ở Nghệ An giá xây dựng (gồm cả công) vào khoảng 5 triệu/m2.

Chiều ngày 23/7/2020, nhiều người trong giới xây dựng khẳng định với Đất Việt giá xây dựng một chuồng bò xây bằng gạch táp-lô, nền bê tông, phía trên lợp mái tôn, máng để phân và thức ăn… mà rộng khoảng trên dưới 20m2 chỉ hết khoảng 100 triệu đồng/chuồng, bao gồm cả công xây dựng, nếu xây với số lượng lớn thì giá có thể rẻ hơn vì tiết kiệm công vận chuyển vật liệu, chỗ ăn ở cho công nhân.

Ông Nguyễn Văn Bảy – chủ thầu xây dựng ở khu vực Hà Nội cho biết: “Xây dựng nhà ở hiện nay có giá công vào khoảng 1,2 triệu đồng m2, còn tiền vật liệu vào khoảng 3 triệu đồng/m2. Sở dĩ tiền công xây nhà ở cao là vì đòi hỏi thợ phải làm chắc chắn, đẹp cho chủ nhà và có nhiều chi tiết mỹ thuật đòi hỏi sự khéo tay”.

Nói về công trình xây chuồng trại cho vật nuôi, ông Bảy cho biết, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật nên giá công xây dựng sẽ rẻ hơn nhà ở.

Chuong bo 510 trieu o Nghe An: Sao nhieu tien the?
Chuồng nuôi bò Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An xây ở xã Nga My, huyện Tương Dương.

“Xây chuồng trại cho vật nuôi chủ yếu chỉ là chi tiết đơn giản, xây từng bao, vào vôi áo, tráng nền xi măng… không đòi hỏi quá nhiều chi tiết phức tạp thì một, hai người thợ xây cùng lắm chỉ trong 1 tuần là xong.

Ông Bảy lấy ví dụ, đơn cử như việc xây phòng trọ cấp 4 cho sinh viên ở Hà Nội hiện nay thì không đòi hỏi tiêu tốn quá nhiều thời gian, công sức. Giá cho mỗi phòng trọ khép kín, có công trình phụ bên trong mà rộng khoảng 20m2 cũng chỉ vào khoảng từ 50 – 70 triệu đồng/phòng trọ.

Chính vì thế, ông Bảy cảm thấy rất bất ngờ trước công trình chuồng bò có giá giao động từ 236 – 510 triệu đồng ở xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An.

“Qua hình ảnh thì chiếc chuồng bò đó cũng không có gì phức tạp, bên trong cũng không có quá nhiều phụ kiện đi kèm. Thậm chí, còn không được bằng một căn phòng trọ cho sinh viên ở Hà Nội. Nếu tính cả công vận chuyển vật liệu ở vùng sâu vùng xa khó khăn, theo tôi, giá cũng chỉ vào khoảng 100 triệu đồng/chuồng” – ông Bày nhận định.

Trong khi đó, TS Trần Xuân Nhiệm – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cảm thấy bất ngờ trước việc chi ra hàng trăm triệu đồng/chuồng bò xây dựng cho bà con người dân nuôi bò thịt đơn thuần.

Chuong bo 510 trieu o Nghe An: Sao nhieu tien the?
Bên trong chuồng nuôi bò có giá hàng trăm triệu đồng/chuồng ở xã Nga My.

“Về tiêu chuẩn chăn nuôi thì chuồng nuôi nhốt xây dựng chắc chắn, thoáng mát sẽ đỡ được bệnh tật cho vật nuôi. Tuy nhiên, giá chuồng bò lên tới hàng trăm triệu đồng thì chỉ phù hợp cho những công trình chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến vào trong chăn nuôi, sản xuất” – TS Trần Xuân Nhiệm cho biết.

Theo ông Nhiệm, ở Việt Nam hiện nay có một số trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng chỉ phí xây dựng phần thô cũng mất nhiều tiền như chuồng bò cho người Ơ Đu ở Nghệ An.

Vị chuyên gia này cho biết: “Về phần chuồng trại ở các trang trại bò sữa nếu chủ yếu là phần thô thì cũng chỉ như ở Nghệ An là cùng. Phần đắt đỏ là phụ kiện đi kèm khi áp dụng công nghệ hiện đại trong việc cho bò ăn, vệ sinh với đầu tư vào vùng thức ăn…”.

TS Trần Xuân Nhiệm cho hay, với một chuồng bò cho hộ chăn nuôi đơn thuần chỉ cần đảm bảo thoáng mát, tránh được mưa nắng và thuận tiện trong việc thu dọn vệ sinh do bò thải ra. Quan trọng hơn vẫn là thức ăn đủ dinh dưỡng thì bò lớn nhanh và ít bị bệnh tật.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) bày tỏ: “Tôi có nghe nói việc xây dựng chuồng trại nuôi bò kiểu mẫu có chi phí hàng trăm triệu đồng tại Nghệ An.

Tuy nhiên nuôi bò, hay nuôi trâu mà đầu tư cho hộ gia đình dân tộc miền núi như thế thì không ổn, bởi đó là đầu tư theo mô hình trang trại, quy mô công nghiệp. Đối với bà con ở miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thì rất khó áp dụng và có phần lãng phí”.

Nói về quy cách, tiêu chuẩn cho chuồng nuôi gia súc lớn, ông Chinh cho biết, chuồng nuôi gia súc phải bố trí hợp lý, có kích thước phù hợp khi gia súc đứng, nằm, khoảng cách giữa các dãy gia súc nằm và đảm bảo an toàn cho gia súc.

Diện tích chuồng nuôi trung bình đối với mỗi gia súc tối thiểu từ 4 – 5m2 chưa kể diện tích máng ăn, máng uống và hành lang phân phối thức ăn. Diện tích chuồng nuôi cho mỗi gia súc non từ 2 – 4m2.

Diện tích sân chơi gấp 2 lần diện tích chuồng nuôi. Nền chuồng phải đàm bảo không trơn trượt và có độ dốc từ 2° đến 3°, thoát nước tốt, tránh đọng nước.

Chuong bo 510 trieu o Nghe An: Sao nhieu tien the?
Bảng giá công trình xây dựng chuồng bò ở xã Nga My (Ảnh Vietnamnet).

Được biết, hạng mục xây dựng chuồng ở cho bò đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Kích thước mỗi chuồng là 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m; trước và sau đều có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, nền nhà bê tông. Phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn…

Chi phí xây dựng 67 chuồng bò tiêu chuẩn cho bà con Ơ Đu, xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An hết hơn 12 tỷ đồng. Trong đó có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng/ chuồng, 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng.

Công trình thuộc đề án phát triển kinh tế xã hội người Ơ Đu do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư.

Khám xét phòng làm việc một cán bộ Ban Dân tộc Nghệ An

Khoảng 17h50 ngày 23/7, Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an tỉnh Nghệ An đã thực hiện lệnh khám xét nơi làm việc của ông Nguyễn Tâm Long – Quyền Trưởng phòng Chính sách thuộc Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

Thông tin ban đầu cho biết, ông Nguyễn Tâm Long liên quan đến sai phạm trong quá trình thực hiện Đề án phát triển kinh tế xã hội người dân tộc Ơ đu tại xã Nga My, huyện Tương Dương.

Trong quá trình xác lập người Ơ Đu ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có 689 người cư trú. Riêng tại bản Văng Môn, xã Nga My có 94 hộ/456 khẩu. Tại bản Đửa, xã Lượng Minh có 45 hộ/231 khẩu. Tổng giá trị đầu tư đề án là 120 tỷ đồng.

Nhưng tháng 4/2019, trước khi triển khai thực hiện đề án, có dư luận xôn xao rằng đối tượng được hưởng chính sách người Ơ Đu ở bản Đửa là không có thật. Vì thế, Ban Dân tộc Nghệ An phối hợp với UBND huyện Tương Dương khẩn trương rà soát lại đối tượng thụ hưởng.

Kết quả cho thấy, ở bản Đửa không còn người Ơ Đu cư trú như kết quả khảo sát ban đầu. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyêt định đưa 231 “người Ơ Đu” ở bản Đửa ra khỏi đề án nhân đạo này.

Liên quan đến vụ án này, ngày 21/7, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Kim Văn Bốn (38 tuổi), cán bộ Phòng chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.