Thận trọng khi mua bánh Trung thu ”handmade”

Hiện nay, trên một số website, mạng xã hội, các loại bánh Trung thu tự làm (“handmade”) được rao bán rất nhiều với lời giới thiệu hấp dẫn như không có chất bảo quản, hương vị truyền thống, an toàn… Với mức giá “mềm” và sự tiện lợi trong việc đặt hàng, giao hàng, loại bánh Trung thu này được nhiều người chọn mua. Tuy nhiên, trong thực tế, chất lượng sản phẩm vẫn còn là dấu hỏi, một phần vì công tác kiểm tra, kiểm soát loại bánh Trung thu “handmade” này chưa được thực hiện một cách chặt chẽ.

Băn khoăn về nguồn gốc nguyên liệu

Chỉ cần lên Google gõ từ khóa “bánh Trung thu handmade” là xuất hiện hàng loạt lời chào bán sản phẩm với lời quảng cáo “có cánh”. Chị Nguyễn Thị Minh Hạnh, (Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay chị chọn mua bánh Trung thu “handmade” của người quen. “Bánh Trung thu “handmade” có mẫu mã, màu sắc khá đẹp mắt, ăn ngon, không quá ngọt nên trẻ con nhà tôi rất thích”, chị Hạnh nói.

Nắm được tâm lý người tiêu dùng, một số cửa hàng kinh doanh online còn bán nguyên liệu làm nhân bánh đã được sơ chế, người tiêu dùng chỉ cần nặn bánh theo hình và cho vào lò nướng là có ngay bánh Trung thu.

Tuy nhiên, với bánh Trung thu tự làm, việc người chế biến sử dụng nguyên liệu có bảo đảm chất lượng hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Tại một số chợ lớn của Hà Nội, dễ thấy những sạp hàng bán nguyên liệu làm bánh Trung thu với giá khá rẻ; các loại hương liệu làm bánh nướng được đựng trong những chiếc can chỉ có thông tin duy nhất là tên sản phẩm. Tới phố Hàng Buồm, có thể mua nhiều loại nhân bánh được đựng trong túi nilon. Song, dù ở chợ hay trên phố, rất khó tìm thông tin về nguồn gốc, hạn sử dụng sản phẩm.

Theo quy định của Bộ Y tế, bánh Trung thu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhà sản xuất hay cơ sở kinh doanh đều phải tuân thủ quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bánh Trung thu “handmade”, được làm thủ công nên khó đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong khâu bảo quản, đóng gói. Đó là chưa kể nguyên liệu làm bánh, quy trình làm bánh không được kiểm soát chặt chẽ… Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), phần lớn các loại bánh Trung thu “handmade” được làm theo mùa vụ nên không có bất kỳ loại giấy phép nào, kể cả giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Không ai có thể khẳng định nguyên liệu dùng để sản xuất các loại bánh Trung thu tự làm bảo đảm chất lượng hay không. Sản phẩm tự làm được bán qua mạng xã hội với số lượng lớn, và vì lợi nhuận nên họ sẵn sàng nhập các loại nguyên liệu không bảo đảm chất lượng”, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nêu.

Tiêu chuẩn nào cho bánh Trung thu?

Nói về bánh Trung thu “handmade” và mối lo về nguồn nguyên liệu dùng để làm bánh, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: Hiện nay, một số phụ gia thực phẩm được bán ở các khu chợ không được kiểm soát về chất lượng, đây là điều đáng lo ngại bởi “nếu người sản xuất sử dụng các loại thực phẩm màu không rõ nguồn gốc thì rất nguy hiểm, chưa kể người tự làm bánh không phải ai cũng nắm rõ quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) dành cho bánh Trung thu, bao gồm bánh nướng, bánh dẻo. Chẳng hạn, đối với bánh nướng và bánh dẻo, việc sử dụng đường phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 6958 hoặc TCVN 7968 (CODEX STAN 212); bột mì đáp ứng quy định trong TCVN 4359 (CODEX STAN 152); dầu ăn đáp ứng quy định trong TCVN 7597:2018.

Ngoài ra, các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và thực vật được sử dụng để làm nhân bánh như đậu, hạt sen, nấm, mỡ lợn, các sản phẩm thịt, thủy sản, trứng, mật ong… phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn.

Đồng thời, theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cơ quan quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra các loại bánh Trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh Trung thu tự làm trong mùa tết Trung thu năm nay nhằm ngăn chặn sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.

Về phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo: Bánh Trung thu chính hãng hay “handmade” đều cần có bao bì mà trên đó hiển thị rõ thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần nguyên liệu, người tiêu dùng cần biết điều đó để chọn sản phẩm an toàn. Ngoài ra, người mua còn có thể nhận biết bằng cảm quan khi chọn mua bánh. Nếu bề ngoài bánh có vẻ ướt, có dấu hiệu bị mốc, lên men… thì tuyệt đối không được mua. Một điều nữa cần lưu ý là không mua bánh được bày bán trực tiếp dưới trời nắng nóng, bởi khi đó bánh dễ lên men, nhanh hỏng hơn so với bình thường.