Thanh niên dân tộc Cơ Tu thoát nghèo từ nuôi cá diêu hồng

Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, nhiều thanh niên đi đầu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Hiện, mô hình kinh tế trang trại, trồng rừng, đặc biệt là nuôi cá diêu hồng trên lồng bè đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Tận dụng mặt nước rộng lớn trên hồ thuỷ điện Đắc Prinh, anh Arâtl Dom người dân tộc Cơ Tu, ở xã Chà Vàl, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư nuôi cá lồng bè để thoát nghèo. Trước đây, vợ chồng Arâl Dom mở trang trại nuôi heo rừng và hàng trăm con gà nhưng hiệu quả thấp. Đầu năm 2020, được sự hỗ trợ nguồn vốn, con giống, thức ăn và nhất là kỹ thuật chăn nuôi của chính quyền địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam nên anh Arâl Dom đã chuyển qua nuôi cá diêu hồng lồng bè.

Hiện nay, anh Arâl Dom thả nuôi gần 5.000 con cá diêu hồng và cá trắm cỏ trong lồng bè. Loại cá này sống tốt trong môi trường tự nhiên, thịt săn chắc, thơm ngon… được thị trường ưa chuộng. Anh Arâl Dom cho biết, trước đây, cuộc sống gia đình rất khó khăn, nhờ nuôi cá diêu hồng khấm khá hơn trước, mỗi năm gia đình thả nuôi 2 vụ thu lãi gần 200 triệu đồng.

“Cá phát triển nhanh, có hiệu quả, 6 tháng có thể xuất bán được, đầu ra ổn định. Nhờ mô hình nuôi cá diêu hồng cuộc sống khá hơn trước, cho con cái đi học. Nhân rộng thêm để các bạn thanh niên tại địa phương học tập cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình”, anh Arâl Dom nói.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Arâl Dom còn hỗ trợ, tận tình hướng dẫn bà con dân tộc Cơ Tu, đặc biệt là thanh niên về kỹ thuật chăn nuôi cá. Tại huyện miền núi Nam Giang, nhiều thanh niên đã chuyển đổi mô hình kinh tế gia đình từ trồng keo sang nuôi cá lồng bè.

Anh Bùi Thế Anh, Bí thư Huyện Đoàn Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, nuôi cá diêu hồng không mất nhiều thời gian, chủ yếu có vốn để đầu tư ban đầu cho lồng bè, con giống và thức ăn cho cá. Địa phương tiếp tục nghiên cứu đánh giá hiệu quả để nhân rộng mô hình này. Huyện Đoàn Nam Giang sẽ kết nối, kêu gọi hỗ trợ về nguồn vốn, con giống, thức ăn… giúp thanh niên địa phương duy trì các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo.

“Mô hình nuôi cá lồng bè của đoàn viên Arâl Dom là mô hình đầu tiên của địa phương. Huyện Đoàn tham mưu cho địa phương vận động đoàn viên thanh niên để nhân rộng thêm. Ở huyện miền núi Nam Giang có nhiều lòng hồ thuỷ điện, tích trữ nước, đây là lợi thế triển khai mô hình này. Chúng tôi sẽ kết nối kêu gọi hỗ trợ nguồn vốn, duy trì phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước vươn lên làm giàu”, anh Bùi Thế Anh cho hay.

Tỉnh Quảng Nam có gần 500 mô hình kinh tế do thanh niên khởi nghiệp. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn, nhiều thanh niên đã đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất phát triển kinh tế trồng rừng, chăn nuôi bò, heo rừng, nuôi cá…

Chị Phạm Thị Thanh, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Nam cho biết, rất nhiều mô hình mang lại nguồn thu đáng kể, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

“Hiện nay, các mô hình phát triển kinh tế tại miền núi được các bạn thanh niên thực hiện khá hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới giảm nghèo bền vững tại địa phương. Nhiều gương thanh niên đã nỗ lực phát triển trên quê hương mình, tạo việc làm cho nhiều thanh niên khác. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ chí Minh luôn đồng hành cùng các bạn trong lập nghiệp, khởi nghiệp hỗ trợ các bạn phát triển kinh tế để các bạn lập thân lập nghiệp làm giàu cho chính mình và làm giàu cho quê hương”, chị Phạm Thị Thanh chia sẻ.