Bản tin thị trường cà phê tuần 11 (19-25/03/2018) và dự báo xu hướng giá tuần này

Giá Robusta và Arabica kỳ hạn tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước. Tồn kho cà phê tại châu Âu trong tháng 1 tăng 1,5%. Xuất khẩu cà phê trong tháng 02/2018 tại Costa Rica tăng Rabobank hạ dự báo nguồn cung cà phê niên vụ 2017/18. Giá cà phê tại một số tỉnh Tây Nguyên tuần qua giảm nhẹ. Giá cà phê giao ngay tại cảng Sài Gòn (FOB) giảm nhẹ theo xu hướng giá cà phê quốc tế. Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 2/2018 giảm 35% so với tháng trước.

ba-ca-phe-4

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Giá cà phê Robusta bình quân trên sàn kỳ hạn London tuần qua đạt 1.758,4 USD/tấn, giảm 8 USD so với tuần trước và vẫn thấp hơn 16,6% so với cùng kỳ năm 2017. Giá cao nhất trong tuần đạt 1.780 USD/tấn, giá thấp nhất là 1.728 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica bình quân trên sàn kỳ hạn New York tuần qua đạt 2.650 USD/tấn, giảm 20 USD so với tuần trước và thấp hơn 15% so với cùng thời điểm năm 2017. Giá cao nhất trong tuần đạt 2.680 USD/tấn, giá thấp nhất trong tuần đạt 2.618 USD/tấn.

Liên đoàn cà phê châu Âu cho biết, tồn kho cà phê tại các cảng của châu Âu trong tháng 1/2018 đạt 9,93 triệu bao, tăng 1,51%
(147.217 bao) so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp Colombia cho biết, trong vòng 7 năm qua nước này đã tài trợ 27 triệu USD hỗ trợ nông dân trồng cà phê tại đây thực hiện tái canh cây cà phê. Đến nay, diện tích tái canh đã đạt 737.163ha. Nhờ những nỗ lực này, hiện nay sản lượng và năng suất cà phê của Colombia được cải thiện đáng kể và đất nước luôn giữ vững vị trí quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 thế giới.

Viện Cà phê Quốc gia Costa Rica (ICAFE) cho biết, xuất khẩu cà phê tháng 02/2018 của nước này đạt 108.692 bao, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) dự báo niên vụ cà phê 2017/18 thế giới sẽ dư thừa 2,6 triệu bao cà phê (giảm 1,5 triệu bao so với dự báo của Rabobank vào cuối năm 2017) do sản lượng giảm tại Brazil, Indonesia và Uganda. Theo đó, lượng dư thừa cà phê chủ yếu là Arabica với 2,1 triệu bao.

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

vietnam-coffee-8e3f9_kbec

Giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước. Tại Đắk Lắk, giá cà phê bình quân đạt 36.983 đ/kg, giảm 111 đồng so với tuần trước và vẫn thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm 2017. Tại Lâm Đồng, giá cà phê giảm 114 đồng đạt 36.794 đ/kg, vẫn thấp hơn 17,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Giá cà phê xuất khẩu giao ngay (FOB) tại cảng Sài Gòn tuần này cũng giảm nhẹ, đạt 1.678 USD/tấn, giảm 8 USD so với tuần trước và vẫn thấp hơn 22% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo tin từ cộng tác viên dự án VnSAT tại khu vực Tây Nguyên, nông dân tại đây đã bán được khoảng 50 – 60% lượng hàng trong kho. Tuy nhiên, giá cà phê trên sàn giao dịch London đang có dấu hiệu giảm trong 2 tuần nay nên lượng hàng bán ra cũng bắt đầu giảm dần. Điều này có thể khiến lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm trong vài tuần tới đây.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, hiện nay do biến đổi khí hậu, thời tiết mưa, nắng bất thường nên cây cà phê trên địa bàn ra hoa, đậu quả không đồng đều. Các chuyên gia dự báo niên vụ cà phê 2017/18, tỉnh Đắk Lắk, vùng trọng điểm cà phê của cả nước có khả năng mất mùa do không đủ lượng nước tưới cho cây cà phê.

DỰ BÁO XU HƯỚNG GIÁ CÀ PHÊ TUẦN NÀY

Giá cà phê thế giới và trong nước sẽ tăng trong tuần này do Việt Nam hiện là nguồn cung cà phê Robusta duy nhất cho toàn cầu vào lúc này, trong khi cà phê Robusta của Indonesia và Uganda phải qua nửa cuối của năm nay mới ra thị trường. Đồng thời, nguồn cung cà phê Robusta Brasil chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước nên lượng xuất khẩu còn chưa được tính đến.  

Để cập nhật thông tin Giá cả, nhận định xu hướng thị trường GIÁ CÀ PHÊ tuần tới, Quý khách vui lòng soạn tin nhắn: CF gửi 1595 (Áp dụng cho thuê bao mạng VinaPhone và MobiFone, cước phí 1.000 đồng/ngày)

Để được Hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc CÀ PHÊ từ các chuyên gia hàng đầu, quý khách vui lòng liên hệ Tổng đài Khuyến nông của VinaPhone: 9195 (cước phí 200đ/phút, miễn phí với sim Khuyến nông của VinaPhone)

Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn