Bản tin thị trường cà phê tuần 50 (10-16/12/2017)

Giá Robusta kỳ hạn tuần này tiếp tục giảm. Giá Arabica kỳ hạn trong tuần giảm 5% so với tuần trước. Sản lượng cà phê Colombia tháng 11 giảm 21% ICO dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2017/18 đạt 158,69 triệu bao (60kg/bao). Giá cà phê tại Tây Nguyên tuần này tiếp tục giảm. Bộ Nông nghiệp và PTNT định hướng ngành cà phê đến 2020 không tăng diện tích mà đẩy mạnh liên kết và chế biến sâu nhằm tăng giá trị gia tăng.

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

0003681137p

Giá cà phê Robusta bình quân trên sàn kỳ hạn London tuần này đạt 1.719 USD/tấn, giảm 1% so với tuần trước và thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm 2016. Giá cao nhất trong tuần đạt 1.740 USD/tấn, giá thấp nhất là 1.680 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica bình quân trên sàn kỳ hạn New York tuần qua đạt 2.652 USD/tấn, giảm 5% so với tuần trước và thấp hơn 15% so với cùng thời điểm năm 2016. Giá cao nhất trong tuần đạt 2.703 USD/tấn, giá thấp nhất trong tuần đạt 2.611 USD/tấn.

Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) đưa ra dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2017/18 sẽ tăng 0,8% đạt 158,69 triệu bao nhờ tăng sản lượng tại các khu vực tại châu Á, Trung Mỹ và Mexico.

Ngân hàng Rabobank tại Hà Lan điều chỉnh dự báo, sản lượng toàn cầu sẽ tăng 4,1 triệu bao. Trong khi tiêu dùng toàn cầu đạt 159,7 triệu bao, thấp hơn 400 ngàn bao so với công bố trước đó trong tháng 11/2017.

Theo công ty CoffeeNetwork, thị trường cà phê thế giới sẽ dư cung trong mùa vụ 2018/19 do sản lượng tăng mạnh từ Brazil. Cũng theo các nhà phân tích tại công ty này, nhờ vào sự ổn định sản xuất tại Colombia và Việt Nam, nguồn cung cà phê toàn cầu có thể đạt 3,7 triệu bao trong niên vụ 2018/19, tăng 0,9 triệu bao so với mùa vụ trước. Liên đoàn các nhà trồng cà phê quốc gia Colombia (Fedecafe) thông báo trong tháng 11/2017, nước này thu hoạch được 1,3 triệu bao cà phê, giảm 21% so với tháng 11/2016 (1,65 triệu bao) do ảnh hưởng của mưa lớn. Lũy kế sản lượng cà phê Colombia 11 tháng đầu năm giảm 2%, đạt 12,6 triệu bao cà phê, so với 12,9 triệu bao cà phê cùng kỳ năm 2016.

Colombia đang có kế hoạch tăng sản lượng cà phê lên thành 18 triệu bao/năm, tương đương 29% nhờ cải tiến giống cây trồng và thay thế cây cacao bằng cây cà phê tại một số khu vực mới giành lại hòa bình sau cuộc
nội chiến kéo dài 52 năm tại quốc gia này.

Cơ quan phát triển cà phê Uganda (UCDA) cho biết, xuất khẩu cà phê trong hai tháng đầu của niên vụ 2017/18 (tháng 10 – tháng 11/2017) tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 0,81 triệu bao.

THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ TRONG NƯỚC

150608025862669-ca-phe-1

Giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên tuần này không thay đổi nhiều so với tuần trước. Tại Đắk Lắk, giá cà phê bình quân đạt 36.281 đ/kg, tăng 79 đồng so với tuần trước nhưng vẫn thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm 2016. Tại Lâm Đồng, giá cà phê giảm 121 đồng xuống còn 35.957 đ/kg, thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm 2016.

Giá cà phê xuất khẩu giao ngay (FOB) tại cảng Sài Gòn biến động cùng xu hướng với giá Robusta trên sàn London. Giá bình quân tuần này đạt 1.634 USD/tấn, giảm 1,2% so với tuần trước và thấp hơn 17% so với cùng kỳ năm 2016.

Tại hội thảo Thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam diễn ra ở Đà Lạt (Lâm Đồng) tuần trước, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Nguyên Xuân Cường,đã chỉ ra khá nhiều điểm nghịch lý của ngành cà phê Việt Nam trong những năm qua. Cụ thể, diện tích cà phê Việt Nam đã chiếm 645.000ha, sản lượng đạt 1,6 triệu tấn (năm 2016), trở thành nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới (sau Brazil). Năng suất cà phê của Việt Nam trung bình đạt 2,5 tấn nhân khô/ha, cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê bình quân của thế giới. Tuy nhiên, giá trị và thương hiệu của ngành cà phê nước ta lại rất thấp. Theo Bộ trưởng một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam không làm chủ được giá cả cà phê là do hạn chế của khâu tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại ở trong nước rất yếu. Ngoài ra, liên kết chuỗi tổ chức sản xuất chưa tốt, diện tích cà phê già cỗi chậm thực hiện tái canh, nông dân lạm dụng phân bón, thuốc BVTV… đặc biệt là vấn đề sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý làm cho nhiều vùng mực nước ngầm đang giảm nghiêm trọng. Tất cả đã dẫn đến chi phí sản xuất cà phê cao, chất lượng chưa đảm bảo, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành cà phê và lợi nhuận.

Theo Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA), hiện nay, sản phẩm cà phê Việt Nam xuất khẩu sang 80 quốc gia trên thế giới, chiếm 14 % thị phần cà phê nhân của thế giới, đứng thứ 2 sau Brazil. Các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Đức, Hoa Kỳ, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Bỉ và Nga hiện chiếm tới 56% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ NN&PTNT, định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện tốt quy hoạch ngành cà phê không tăng diện tích, giảm diện tích cà phê ở những nơi không có lợi thế. Tập trung vào chế biến sâu, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng của ngành cà phê Việt Nam.

Theo Trung tâm Tin học Thống kê – Bộ NN-PTNT