Nhãn Bình Phước mất mùa, rớt giá

Thời điểm này là mùa thu hoạch nhãn sớm của nông dân thị xã Đồng Xoài, Bình Phước. Mùa nhãn năm nay bà con không được ưu ái bởi thời tiết thất thường, sâu bệnh làm sản lượng giảm.

Sức mua của thị trường rất chậm nên giá nhãn rớt xuống còn một nửa so với cùng kỳ năm trước.

13-57-23_nhn_nnvn

Thời tiết thất thường khiến nhãn ở Đồng Xoài giảm năng suất

Theo bà con trồng nhãn ở các xã Tiến Hưng, Tiến Thành, mùa nhãn năm nay họ may lắm thì đủ ăn. Nguyên nhân chính là do thời tiết không ủng hộ, sâu bệnh, bọ xít và bệnh đầu rồng làm thất thu.

Thời tiết ở Bình Phước vốn phân hai mùa mưa nắng. Nhưng năm nay, mùa mưa đến sớm, hồi đầu năm lại xuất hiện những cơn mưa đá nên cây trồng bị ảnh hưởng nhiều. Sâu bệnh, bọ xít và thời tiết đã tác động không nhỏ đến sản lượng nhãn. Người nông dân phải chấp nhận chịu một mùa nhãn buồn chưa từng có.

Vườn nhãn ở ấp 2, xã Tiến Hưng nổi tiếng từ nhiều năm nay với những nông dân giỏi, đảm đang dưới từng hốc đất. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, họ vẫn cố gắng bám trụ với cây trồng này. Đầu năm 2017, nông dân đều vui mừng và hi vọng một vụ bội thu vì lượng bông trên cây rất lớn. Nhưng khi những cơn mưa đá xuất hiện đã khiến số lượng lớn bông bị rụng. Số còn lại hóa “đầu rồng” khiến sản lượng trái giảm. Trên mỗi cây, lượng trái ra thưa hơn, ít hơn và khả năng chín cũng giảm.

Chị Cao Thị Đậu (34 tuổi) cho biết: “Thường vào giữa vụ nhãn sớm thế này, trái nào cũng chín lắm rồi. Vậy mà năm nay nhiều cây cho trái chín không đều gây bất tiện thu hoạch”.

Chị Đậu trồng được hơn 1ha nhãn gần 20 năm tuổi. Dù cố gắng “xử lý” những bất lợi do thời tiết mang lại nhưng vườn nhãn của chị chỉ đạt 7 tấn/ha. Những vườn xung quanh nhà chị Đậu cũng thất thu tương tự, vờn nào cao lắm cũng chỉ đạt xấp xỉ 10 tấn/ha.

Tại các vườn nhãn ở ấp 2, xã Tiến Hưng những ngày này, người nông dân đang tất bật thu hoạch trái đầu vụ. Theo quan sát của chúng tôi, trên từng cây nhãn nhiều chùm bông khô cứng, cuộn lại với nhau thâm đen. Người trồng nhãn gọi đây là bệnh “đầu rồng”. Bệnh này rất khó trị và hầu như không thể trị.

Nhiều nông dân cho biết, năm nay cây nhãn không ưu ái người trồng. Thời tiết khắc nghiệt khiến cây bị bệnh, mất mùa nhưng giá cả lại xuống quá thấp. Chị Cao Thanh Thủy (40 tuổi) chia sẻ: “Năm trước vào đầu vụ, mình bán được 18 ngàn đồng/kg, cuối vụ bán 15 ngàn đồng/kg. Vậy mà năm nay chỉ bán được 9 ngàn đồng/kg. Có hôm còn bán được 8 ngàn đồng/kg. Như vậy trừ chi phí nhân công, mình không có lợi nhuận gì”.

13-57-23_du_rong_nn

Bệnh đầu rồng gây thất mùa nhãn

Tại thị xã Đồng Xoài, lượng nhãn bán ra trên thị trường cũng không cao. Người tiêu dùng cũng không mặn mà với loại nông sản thu hoạch sớm của quê hương. Anh Nguyễn Văn Cương, một người buôn bán trái cây lẻ ở chợ Đồng Xoài cho biết, trung bình mỗi ngày chỉ bán được 30kg nhãn. Có mua thêm cũng khó mà bán được vì sức mua rất yếu.

Chính vì sức mua yếu nên việc thu hoạch tại các vườn nhãn cũng bị chậm lại. “Năm 2016 lượng trái nhiều, sức mua lớn nên mỗi ha nhãn chỉ hái trong khoảng 10 ngày. Năm nay nhãn thất mùa, sức mua cứ lai rai lên công thu hái cũng nhiều hơn. Người nông dân thiệt đơn thiệt kép”, nông dân Nguyễn Văn Sinh nói như than thở.

Lý giải vì sao giá nhãn xuống thấp như vậy, bà Nguyễn Thị Trâm, thương lái ở thị xã Đồng Xoài chia sẻ: “Do kinh tế khó khăn, sức mua giảm xuống nên giá các mặt hàng nông sản đều rớt chứ không riêng gì nhãn”. Bà Trâm là một trong những chủ vựa lớn thu gom nhãn đưa lên các tỉnh Tây Nguyên. Bà cho biết, giá nhãn giảm sâu nên tiểu thương cũng không có lợi nhuận chứ đừng nói đến nông dân bị thất mùa.

Dưới cái nắng oi nồng, chị Cao Thị Thanh Thuyền (35 tuổi) bảo: “Thời tiết thất thường quá nên “đầu rồng” mới xuất hiện, dù cố gắng nhưng mình không “kháng” lại nó được nên mùa nhãn này thất bát, chỉ đủ ăn thôi. Tụi tôi không lời lãi gì”.

Vườn nhãn sớm của chị Thuyền hầu như cây nào cũng có cả chục bông “đầu rồng” lớn nhỏ. Đây là tình cảnh chung của những hộ gia đình trồng nhãn vụ sớm ở Đồng Xoài.

Nhãn Tây Ninh giảm giá kỷ lục

Giá dừa khô Bến Tre lập đỉnh trong vòng 7 năm​

Theo Nông nghiệp