Xuất khẩu cá tra đang có xu hướng tăng trưởng

Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2016. Điều này cho thấy xu hướng tăng trưởng của thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam.

xuat khau ca tra vao my

Ảnh minh họa

Theo báo cáo thương mại thủy sản của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến tháng 7/2017 tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong top 10 thị trường lớn, duy nhất giá trị xuất khẩu sang thị trường EU giảm mạnh nhất 23,5% so với cùng kỳ năm 2016, ngược lại, xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng như Brazil, Mexico, Colombia, Ả-rập Saudi tăng trưởng tốt.

Tại thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 220,8 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2017, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái đồng thời chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, rào cản xuất khẩu sang thị trường này vẫn rất lớn. Đó là thử thách đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Hiện nay, chỉ có 3-4 doanh nghiệp chính còn tiếp tục bám trụ tại thị trường này với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cá tra cắt khúc, cá tra phile đông lạnh, cá tra cuộn đông lạnh, cá tra phile tẩm bột, cá tra bỏ đầu, khứa khoanh, cá tra bỏ đầu xẻ bướm và cá tra nguyên con đông lạnh.

Tại Trung Quốc – Hồng Kông, trong 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 206,1 triệu USD, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu năm 2017, giá bán thủy sản tại Trung Quốc tăng. Giá cá thịt trắng, trong đó có cá tra, basa cũng tăng.

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Brazil, Mexico, Colombia và Ả-rập Saudi trong 7 tháng đầu năm tăng trưởng khá đạt mức lần lượt 59,3%; 25,7%; 8,9% và 6%. Sự sụt giảm mạnh mẽ trong 3 năm liên tiếp trở lại đây tại thị trường EU khiến các doanh nghiệp cá tra Việt Nam buộc phải chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết mặc dù giá cá tra nguyên liệu năm nay khá cao nhưng do lo ngại giá cả và đầu ra không ổn định nên tiến độ thả nuôi và thu hoạch còn thấp so thời điểm cùng kỳ.

Diện tích cá tra 7 tháng đầu năm của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 3.921,6 ha, giảm 5,4% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 729,7 nghìn tấn, tăng 1,2% với cùng kỳ.

Tỉnh có diện tích nuôi lớn nhất là Đồng Tháp (1.688,31 ha thu hoạch 250,9 nghìn tấn) vẫn có sự tăng trưởng tốt, sản lượng tăng 14,2% so với cùng kỳ để bù cho sự giảm sút của các tỉnh như An Giang (194,4 nghìn tấn, giảm 3,9%), Cần Thơ (80,7 nghìn tấn; giảm 4,6%), Bến Tre (104,6 nghìn tấn; giảm 12,6%).

Thị trường cá tra giống cũng hạ nhiệt sau thời gian duy trì ở mức cao, đến nay cá tra giống đã giảm 5 – 10 ngàn đồng/kg so với đầu tháng 5/2017. Tại Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ…, giá cá tra thịt trắng nguyên liệu dao động 21.500 – 23.000 đồng/kg. Tính từ ngày 25/8 đến ngày 20/8, giá cá tra thịt trắng loại I đạt 23.500 – 25.600 đồng/kg, loại II giao động từ 22.400 – 23.400 đồng/kg.

Tại Hội thảo "Thế giới cần cá tra – một lựa chọn cần có trách nhiệm" các đại biểu đã chia sẻ một số thách thức mà ngành cá tra Việt Nam có thể đối mặt trong đó không thể không kể đến rào cản thị trường tiếp tục tăng lên khi các Hiệp định tự do thương mại được ký kết. Điển hình như thuế chống bán phá giá tại Mỹ, luật trang trại 2014, phương thức thanh toán khó khăn (Nga)… Ngoài ra, các yếu tố biến đổi khí hậu, xu hướng nhiều tổ chức chứng nhận sẽ hình thành, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tác động đến ngành sản xuất cá tra.

Siết chặt kiểm soát chất lượng cá tra đi Mỹ

Doanh nghiệp vẫn lạc quan khi Mỹ kiểm tra cá tra Việt Nam​

Nguồn: ndh.vn