Những năm qua, phong trào trồng dừa xiêm ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) phát triển mạnh. Đi đôi với việc mở rộng diện tích, chính quyền và người dân trong huyện còn tập trung thực hiện nhiều biện pháp để từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế từ cây dừa.
Toàn huyện Phù Cát hiện có khoảng 1.250 ha dừa xiêm, trong đó có gần 1.160 ha đang cho trái. Diện tích dừa xiêm tập trung chủ yếu ở các xã: Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Trinh…
Dừa xiêm không những được trồng trong vườn nhà mà còn được trồng xen với các loại cây trồng cạn ngắn ngày khác như đậu phụng, mì…
Nhờ thích hợp với đất đai địa phương, được nông dân đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đầy đủ nên cây dừa xiêm sinh trưởng phát triển tốt.
Dừa xiêm sau 3 năm trồng bắt đầu cho trái, từ năm thứ 4 trở đi cho trái ổn định, trung bình từ 100-120 trái/cây/năm và được thương lái đến mua tại vườn với giá 6.000 đồng/trái vào mùa mưa, 10.000-12.000 nghìn đồng/trái vào mùa nắng và các dịp lễ, Tết; người trồng dừa lãi khoảng 1 triệu đồng/cây/năm. Ngoài bán trái dừa tươi, nhiều hộ trồng dừa xiêm ở Phù Cát còn nhân giống bán ra thị trường với giá 40.000 – 60.000 đồng/cây, đây là nguồn thu nhập đáng kể.
Không những dễ trồng, ít tốn công chăm sóc mà cây dừa xiêm còn giải quyết được vấn đề nước thải đối với các hộ chăn nuôi ở địa phương. Nguồn phân và nước thải trong chăn nuôi được dùng để tưới dừa giúp cây dừa phát triển tốt, cho trái nhiều hơn so với bình thường.
Gia đình bà Trần Thị Tuyết, ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp có hơn 100 cây dừa xiêm đang cho trái. Ngoài trồng dừa, bà còn nuôi 9 con heo nái sinh sản và khoảng 150 con heo thịt.
Số phân và nước thải trong nuôi heo bà đều dùng để tưới cho cây dừa; đồng thời trong quá trình trồng và chăm sóc vườn dừa, gia đình bà áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật…
Nhờ đó, vườn dừa của gia đình bà luôn phát triển tốt, cho năng suất cao và ổn định. Ngoài ra gia đình bà còn chọn những trái dừa tốt để ươm giống bán.
Mỗi năm, gia đình bà bán ra từ 1.000 – 2.000 cây dừa xiêm giống, với giá 50.000 đồng/cây, đem lại thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm cây dừa xiêm đem lại cho gia đình bà thu nhập gần 200 triệu đồng. Hiện tại, gia đình bà đã trồng thêm 200 cây dừa xiêm trên 0,5 ha đất trước đây trồng keo, cây trồng cạn.
Nhằm nâng cao giá trị cây dừa xiêm, huyện Phù Cát đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Dừa xiêm Phù Cát” và sản phẩm Dừa xiêm Phù Cát đạt chuẩn OCOP 3 sao; làm thủ tục để 130 hộ/50,29 ha dừa xiêm được cấp mã số vùng trồng hướng tới xuất khẩu trái dừa tươi sang thị trường Trung Quốc.
Cùng với đó huyện còn thực hiện mô hình sản xuất dừa hữu cơ với diện tích 18,4 ha ở 3 xã Cát Trinh, Cát Lâm và Cát Hiệp; thành lập 2 hội quán dừa ở xã Cát Hanh và Cát Hiệp để hỗ trợ nhau trong việc tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, xác minh mã số vùng trồng và bao tiêu sản phẩm.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp huyện cũng đã hỗ trợ xây dựng mô hình “cây dừa nhà tôi” ở một số vườn dừa để hỗ trợ quảng bá tiêu thụ dừa bền vững cho bà con nông dân.
Anh Lưu Anh Vũ, ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) chủ vườn dừa thực hiện mô hình cho biết: “Những cây dừa được chọn vào mô hình là cây to khỏe, điều kiện vệ sinh tốt, sản lượng cao và phải trồng theo tiêu chuẩn, quy trình VietGAP.
Trên mỗi cây dừa đều có gắn mã QR, với đầy đủ thông tin định danh: Giống cây, tuổi cây, giá bán, thời gian trồng. Khách hàng có thể chọn cây vừa ý và đặt mua, mức giá trung bình 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/cây. Theo thỏa thuận, trong suốt 1 năm, người mua được hưởng toàn bộ số quả trên cây, khoảng 100 – 120 quả/năm”.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), cho biết: “Thời gian tới, huyện Phù Cát sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để nông dân mở rộng diện tích cây dừa. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng dừa hữu cơ, đẩy mạnh các hoạt động liên kết trong việc cấp mã số vùng trồng và quảng bá, bao tiêu sản phẩm dừa xiêm Phù Cát”.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu