Từ ước mơ giúp ngư dân Việt sống được với nghề biển tới cơ duyên tìm hiểu, gắn bó và tìm cơ hội phát triển cho bản thân tại tại một vùng biển đầy xa lạ nhưng đầy tiềm năng, hành trình của ông Võ Minh Hùng – còn được gọi là Hùng Solomon đã đang mở ra một con đường mới cho những người dân vùng biển quê hương với nghề “khai thác vàng của đại dương”, giúp cuộc sống của họ trở nên ấm no, bền vững hơn.
Cơ duyên của ông Hùng với nghề khai thác hải sâm đến từ một sự tình cờ. Năm 2016, nghe thông tin có một số ngư dân ở Lý Sơn gặp rắc rối pháp lý khi khai thác hải sâm tại vùng biển do các nước ở Nam Thái Bình Dương quản lý, ông Hùng không khỏi thấy xót xa. Lý Sơn là vùng biển quê hương, nơi những người dân hàng bao đời gắn bó với nghề biển nhưng vẫn không thể phát triển được như mong đợi. Tài nguyên ngày càng cạn kiệt, khiến nhiều ngư dân tìm cách tìm kiếm cơ hội ở những vùng biển xa. Thiếu hiểu biết về pháp luật, đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài khiến họ vướng vòng lao lý, bị bắt giữ, tịch thu máy móc, tàu thuyền, phải bồi thường thiệt hại thậm chí tới mức tán gia bại sản, một số người thậm chí còn không có đường về, ngày về…
Đầu năm 2017, ông Hùng quyết định làm visa Úc rồi từ đó tìm cơ hội sang Solomon để tiếp cận với những người đồng hương của mình để tìm cách trợ giúp. Hành trình không mấy dễ dàng đó, ông Hùng cũng có thêm cơ hội để tiếp xúc với đất, nước và con người nơi đây. Là một người con của vùng biển, lớn lên với những ghe, những thuyền cá ngược xuôi, ông Hùng không khỏi trăn trở: “tài nguyên biển trên hải phận của nước bạn giàu có biết bao nhiêu, cớ sao phải đánh bắt trộm để dẫn đến nhiều cảnh thương tâm, lại tổn hại hình ảnh của Việt Nam tới quốc tế? Tại sao không chịu hợp tác khai thác hợp pháp theo luật quốc tế?”. Suy nghĩ đó thúc đẩy ông Hùng quyết tâm phải mang giấy khai thác thủy sản hợp pháp về cho đồng bào mình.
Salomon là quần đảo với dân hầu hết đều là những bộ lạc sống rải rác tại các hòn đảo nhỏ cách đảo chính hai ngày đi tàu. Cuộc sống của họ lúc bấy giờ cũng đầy rẫy khó khăn, không điện, không nước sạch, không điện thoại, trong khi nguồn tài nguyên hải sản tại đây lại cực kỳ phong phú, đặc biệt là hải sâm với chất lượng và trữ lượng bậc nhất vùng biển Nam Thái Bình Dương, chỉ sau Papua New Guinea. Giá trị của hải sâm được ví như “vàng của đại dương”, được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Đứng trước “kho vàng” tiềm năng và bền vững đó, tuy nhiên để được cấp phép khai thác lại không hề dễ dàng chút nào. Người dân Salomon dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng lại rất kỷ luật, tự trọng và có ý thức bảo vệ tài nguyên rất cao. Chính vì vậy, trải qua những biến động của thời cuộc, Salomon vẫn giữ được gần như toàn bộ các tài nguyên thiên nhiên đồ sộ trong suốt hàng trăm năm qua. Luật pháp của Solomon cũng rất nghiêm ngặt, mỗi loại thủy sản đều phải cần một giấy phép đánh bắt riêng. Trong đó, hải sâm là một trong những loại giấy phép khó lấy nhất. Từ năm 1978 đến thời điểm đó, chưa từng có công ty nước ngoài nào được phép khai thác do an ninh tài nguyên quốc gia. Những hứa hẹn đơn thuần sẽ không đủ sức để nhận được cái gật đầu từ chính quyền địa phương.
Để được sự đồng thuận của người dân và chính quyền, ông Hùng quyết tâm và bắt tay vào tìm hiểu văn hóa, sở thích và tập tục của từng đảo để có phương án vận động hợp lý. Có làng cần gạo, có làng cần quần áo, có làng chỉ cần muối, thịt sấy khô, mì tôm, thuốc lá… Ngoài tiền mặt, ông Hùng còn hỗ trợ xây dựng bệnh viện, trang bị máy phát điện cho người dân giải trí. Ở mỗi nơi mà ông và công ty mới thành lập của mình là Hoàng Kim Việt (thành lập năm 2017) đều để lại những dấu ấn riêng với người dân.
“Còn nhớ, tháng 6/2018, khi đến làng Western Province (cách thủ đô Solomon 24 giờ đi tàu lẫn cano), biết người dân chưa từng xem World Cup, chúng tôi bèn thu sẵn các trận bóng vào điện thoại cá nhân và đến mở cho dân làng xem. Đó là lần đầu tiên người làng được xem cầu thủ quốc tế thi đấu. Ai cũng chỉ trỏ, reo hò theo từng diễn biến trận đấu rất hào hứng. Bản thân chúng tôi cũng cảm thấy rất xúc động vì làm được một điều gì đó có ý nghĩa”, ông Hùng hồi tưởng lại.
Sau những “ăn cùng, ở cùng, làm cùng” bền bỉ, “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng các thành viên của Hoàng Kim Việt cũng khiến những già làng địa phương cảm động và chia sẻ quyền khai thác hải sâm. Đến tháng 11/2018, Hoàng Kim Việt chính thức được trao giấy phép khai thác và xuất khẩu hải sâm tại Salomon, trở thành công ty duy nhất Việt Nam từ trước đến thời điểm đó được quyền đánh bắt hải sâm tại đảo quốc khắt khe nhất về tài nguyên biển này.
Giải quyết được vấn đề về giấy phép, ông Hùng lại hăm hở quay về quê hương Lý Sơn, Quảng Ngãi để tuyển người khai thác thủy sản tại Salomon. Không tin vào việc một công ty Việt có thể xin được giấy phép khó bậc nhất ở nước ngoài, nhiều người dân và chính quyền địa phương nghi ngờ, thậm chí yêu cầu xử lý nghiêm vì hành vi tổ chức ngư dân sang Solomon trái phép. (?!)
Đến khi các giấy phép được trình đầy đủ, các lãnh đạo UBND Quảng Ngãi mới “té ngửa” và đính chính lại thông tin. Dù vậy, cũng phải mất một thời gian khá dài sau đó, các hiểu lầm mới được giải tỏa hết và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền cũng như người dân địa phương. Hàng chục ngư dân Lý Sơn đã được đưa đến Solomon để khai thác hải sản sau đó.
“Khi khai thác được mẻ hải sâm đầu tiên từ lòng biển Solomon, trong đó có những con hải sâm nặng 3 kg, trị giá tới vài trăm USD, tôi vui rớt nước mắt. Để đánh bắt được loại hải sâm “khủng” này, phải đầu tư thiết bị lặn hiện đại, chi phí rất cao. Để được lặn tới độ sau 30m, phải đăng ký rất nhiều thủ tục, đồng thời phải chịu mức thuế cao. Chính quyền sở tại đánh thuế từng độ sâu khác nhau chứ không như xứ mình lặn sâu bao nhiêu để khai thác cũng được. Họ rạch ròi để nguồn lợi đáy biển không bị tận diệt”, ông Hùng nhớ lại.
Đến ngày 6/5/2019, 2 container hải sâm đầu tiên nguồn gốc Solomon đã được xuất về Việt Nam, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc mở rộng ngư trường khai thác. Tổng sản lượng hải sâm khai thác khoảng gần 20 tấn các loại.
Cũng trong thời gian này, sau Solomon, Hoàng Kim Việt của ông Hùng tiếp tục tiến vào quốc đảo Vanuatu và đến tháng 5/2019 chính thức được cấp phép khai thác hải sâm.
Tiềm năng khai thác nguồn lợi thủy sản tại khu vực vùng biển Nam Thái Bình Dương là rất lớn nhưng lại bị hạn chế về nhân sự, về trang thiết bị, khoảng cách địa lý lại rất xa Việt Nam, chi phí đầu tư và triển khai rất lớn, sản phẩm đưa về Việt Nam theo diện nhập khẩu nên rất phức tạp về mặt thủ tục do các quốc đảo này chưa ký kết hợp tác thương mại với Việt Nam. Chính vì vậy, Hoàng Kim Việt đã có đề xuất Nhà nước cấp phép cho doanh nghiệp được xuất khẩu tàu thuyền và nhân lực (ngư dân) đến các nước mà công ty được phép khai thác và đánh bắt. Doanh nghiệp sẽ mua lại tàu cá của ngư dân Việt Nam, sau đó cắt đăng kiểm, nhập vào các công ty con thành lập trước đó tại Solomon và Vanuatu. Hoàng Kim Việt sẽ chịu trách nhiệm mời các nước nhập khẩu qua Việt Nam kiểm tra chất lượng, hướng dẫn thủ tục trước khi xuất khẩu tàu cá…
Đề xuất táo bạo của ông Hùng và Hoàng Kim Việt đã nhận được sự ủng hộ của cơ quan chức năng, Bộ NN&PTNT. Trước đó, Bộ cũng đã xây dựng đề án “phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước”. Theo đề án, Nhà nước sẽ cấp phép tàu thuyền đi nước ngoài khai thác theo thời hạn cụ thể. Ngành NN&PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất đưa tàu, ngư dân đi mở rộng ngư trường khai thác. Các kiện hàng sau khi xuất về Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
Đến tháng 11/2019, công ty Hoàng Kim Việt đã đưa 9 tàu cá của Việt Nam sang đánh bắt hợp pháp tại vùng biển của Solomon và Vanuatu. Trong đó có 3 tàu khu vực phía nam và 6 tàu tại tỉnh Quảng Ngãi.
Cùng những nỗ lực không ngừng, Hoàng Kim Việt đã không ngừng phát triển, tạo ra việc làm cho hàng chục, hàng trăm ngư dân Việt và người dân địa phương tại các vùng biển phía Nam Thái Bình Dương. Công ty hiện đang hoạt động khai thác hợp pháp tại 4 quốc gia Solomon, Vanuatu, Tuvalu, Kiribati.
Với việc “xuất khẩu” tàu thuyền và nhân lực Việt sang đánh bắt hải sâm ở vùng biển nước bạn, Hùng Solomon cùng Hoàng Kim Việt cũng đã mở ra một hướng phát triển mới bền vững hơn cho ngư dân Việt nói chung và ngư dân Lý Sơn nói riêng. “Với đặc thù của nghề biển, không tính lương tháng mà tính tỷ lệ phân chia trên sản lượng khai thác được, thu nhập của ngư dân sẽ khác nhau. Dù không nói ra con số cụ thể nhưng tối dám chắc các ngư dân Việt Nam đang hợp tác với tôi sẽ có thu nhập “khủng” hơn những gì hộ kiếm được từ nghề biển thông thường”, doanh nhân Hùng Solomon chia sẻ.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu