Trong nửa đầu năm nay, một loạt “siêu cường” trên thế giới tiếp tục chi lượng tiền lớn mua tôm Việt Nam, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng duy trì mức tăng trưởng dương.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 5,29 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu nhóm hàng này tăng 7,3%, đứng top 2 về kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong đó, riêng xuất khẩu tôm thu về 2 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong ngành thuỷ sản.
Theo VietNamNet, hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu tôm nhiều nhất thế giới, chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu. Con tôm của Việt Nam đã xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong nửa đầu năm nay, một loạt “siêu cường” như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… tiếp tục chi lượng tiền lớn mua tôm Việt Nam, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng duy trì mức tăng trưởng dương.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) đạt 328 triệu USD, tăng mạnh 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong top 5 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của nước ta, Trung Quốc là thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc – khách hàng lớn nhất của con tôm hùm Việt Nam – đã tăng mua mạnh, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu loại “hải sản nhà giàu” này tăng đột biến 57 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến là thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt 303 triệu USD, tăng nhẹ 1%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 229 triệu USD giảm 3%; sang EU đạt 217 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, giá tôm chân trắng (sản phẩm tôm chiếm tỷ trọng cao nhất của nước ta) sang một số thị trường đang có xu hướng tăng trở lại.
Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng 3,1% so với tháng trước, lên 6,5 USD/kg; sang Mỹ tăng 2%, ở mức 10,2 USD/kg; sang Nhật Bản tăng 3,4% lên 8,8 USD/kg…
Xuất khẩu tôm dù đã phục hồi nhưng vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Trao đổi với Vietnam+, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ con tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều cạnh tranh từ các quốc gia khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ, như nguồn cung tôm quốc tế dư thừa từ Ấn Độ, Ecuador đẩy mạnh sản xuất khiến giá tôm liên tục giảm sâu.
Đó là chưa kể đến những tác động khác từ các quy định của quốc gia sở tại. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng ảm đạm do suy thoái kinh tế toàn cầu khiến thị trường xuất khẩu tôm gặp nhiều bất lợi.
Ông Hồ Quốc Lực đánh giá những khó khăn thách thức đối với hoạt động xuất khẩu tôm sẽ còn tiếp tục kéo dài. Căng thẳng tại Biển Đỏ đang là bài toán nan giải đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường trọng điểm như Mỹ và châu Âu.
Chi phí vận tải tăng cao và rủi ro trong việc đảm bảo tiến độ giao hàng buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm kiếm giải pháp thay thế phức tạp hơn, hoặc tập trung vào các thị trường gần hơn.
Hơn nữa, vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của bốn nước, bao gồm Việt Nam, cũng là một rủi ro lớn. Vụ kiện này có thể dẫn đến việc tăng chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận và sức cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam.
Để con tôm Việt Nam có được lợi thế cạnh tranh, các chuyên gia ngành hàng tôm cũng có nhiều chiến lược phát triển con tôm cùng với những địa phương nuôi tôm nguyên liệu trong nước.
Điển hình, tại tỉnh Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm áp dụng khoa học-công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu chia sẻ tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị con tôm theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng đến liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng các yếu tố đầu vào và với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi liên kết giá trị mang lại hiệu quả kinh tế.
Từ đó, nhân rộng các hình thức liên kết này, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả, bền vững. Bạc Liêu cũng tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhất là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm-lúa….Hướng đến Bạc Liêu có thể là trung tâm cung cấp nguyên liệu tôm phục vụ chế biến, xuất khẩu cho các doanh nghiệp ngành hàng tôm hiện nay.
Việc phát triển chuỗi giá trị tôm cũng một phần góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành hàng này. Theo bà Phùng Thị Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, để gia tăng thị phần tại các thị trường trong năm 2024, doanh nghiệp cần lưu ý đến thị hiếu tiêu dùng mới.
Ví dụ như Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh, tôm hùm đá, các loại tôm biển khác, tôm hùm đông lạnh; trong khi tăng nhập khẩu tôm hùm tươi, sống, ướp lạnh; tôm khô, muối, hun khói, ngâm nước muối và các loại tôm chế biến.
Còn tại Hàn Quốc, nhu cầu đối với thực phẩm nấu chín, chế biến và bảo quản sẵn đang tăng lên nhanh chóng.
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam, cũng đang áp dụng nhiều biện pháp để “vượt sóng” trong giai đoạn khó khăn, tạo nên chuỗi giá trị liên kết vùng nguyên liệu để vững chắc trong cung ứng đơn hàng.