Cà phê, hồ tiêu và nhiều nông sản của Việt Nam nhập khẩu vào EU dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2025 khi khu vực này tăng cường siết chặt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Hàng loạt nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sang EU được thị trường này thiết lập quản lý dư lượng đối với 2 loại hoạt chất mới là Fenbuconazole và Penconazole. Trong số này đối với Việt Nam đáng chú ý là nhóm quả có múi và nhóm hạt như hạt điều, hạt mắc ca… dư lượng được quy định ở mức rất thấp chỉ 0,01ppm. Với 2 hoạt chất này, đáng chú ý là các sản phẩm quan trọng của Việt Nam sẽ bị áp dụng như: gạo áp dụng nồng độ 0,01ppm; cà phê, gia vị và mật ong cùng mức 0,05ppm.
Nhiều mặt hàng gồm su riêng, chuối, xoài đến những loại rau như hành, tỏi, ớt và cả các mặt hàng gồm gạo, trà, cà phê và sản phẩm có nguồn gốc động vật cũng là đối tượng chịu sự điều chỉnh mới về việc tăng cường các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) với thực phẩm nhập khẩu vào khu vực này. Có 2 hoạt chất được thiết lập mới và 2 hoạt chất cũ nồng độ điều chỉnh phổ biến giảm hàng trăm lần so với quy định đang áp dụng. Điều này sẽ khiến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU gặp khó khăn hơn rất nhiều.
Với hoạt chất Zoxamide, Việt Nam đang có sản phẩm đậu bắp xuất khẩu vào EU bị áp dụng biện pháp kiểm soát tại cửa khẩu. Mức dư lượng tối đa theo quy định cũ là 0,02ppm thì dự thảo mới chỉ cho phép 0,01ppm. Đáng chú ý nhất là các loại rau như: Rau diếp, xà lách, cải bó xôi nồng độ cũ là 30ppm thì dự thảo mới cũng chỉ là 0,01ppm.
Với hoạt chất Acetamiprid, sản phẩm chuối theo quy định cũ nồng độ 0,4ppm thì quy định mới 0,01ppm; sản phẩm ớt chuông, ớt ngọt từ 0,3 nay chỉ còn 0,09ppm, cà chua từ 0,5ppm còn 0,06…
Ngày 9-8, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật (SPS) Việt Nam, có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hội nuôi ong Việt Nam,… về việc Liên minh châu Âu (EU) thông báo dự thảo thay đổi mức dư lượng tối đa (MRL) đối với một số hoạt chất. Những thay đổi này dự kiến áp dụng từ tháng 2-2025.
Theo đó, tùy từng sản phẩm, EU đề xuất mức dư lượng tối đa giảm, có mức giảm cả ngàn lần so với quy định đang p dụng đối với một số hoạt chất; thiết lập mức dư lượng tối đa cho một số mặt hàng chưa có quy định, cũng có 1 số mặt hàng tăng mức dư lượng.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu