Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Những ngày này, nông dân các địa phương trồng hành tím ở tỉnh Ninh Thuận đang bước vào giai đoạn cao điểm chăm sóc và thu hoạch để cung ứng cho thị trường với kỳ vọng được mùa, được giá.
Thời điểm này, đi dọc tuyến đường DT 702 đi qua vùng trồng hành tím tập trung thuộc các xã Nhơn Hải, Thanh Hải (huyện Ninh Hải), không khí làm việc khẩn trương bao trùm khắp các cánh đồng. Người dân tất bật nhổ hành củ phơi ngay trên ruộng, tiếng cười nói rộn rã hòa cùng tiếng xe ra vào các ngõ, hẻm chở đầy những bó hành tím phơi khô để đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Ông Lê Hữu Đào (xã Nhơn Hải) phấn khởi cho biết, sau khoảng 50 ngày xuống giống, chăm sóc, vừa qua 2 sào (2.000 m2) cho thu hoạch trên 4 tấn hành củ, thương lái thu mua tại ruộng với giá bình quân 35.000 đồng/kg, cho doanh thu trên 140 triệu đồng. Hiện tại, gia đình ông còn khoảng 1,5 sào hành đã rũ lá dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối tuần này, với năng suất và mức giá giữ ổn định như trên thì gia đình ông có nguồn thu nhập khá để chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Tại xã Thanh Hải, các hộ dân, thành viên của hợp tác xã cũng đang tất bật chăm sóc và thu hoạch hành tím. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thu mua nông sản Thanh Hải cho hay, hành tím củ nhổ lên bán xô tại ruộng hiện có giá dao động từ 32.000 – 36.000 đồng/kg, hành củ đã phơi khô (8 – 12 nắng) và phân loại bán với giá từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, hành lá có giá dao động từ 9.000 – 11.000 đồng/kg. Vụ hành Tết năm nay nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, nông dân chủ động được nguồn nước tưới nên hành tím đạt năng suất từ 2 – 2,5 tấn/sào.
Chi phí đầu tư cho 1 sào hành, bao gồm giống, vật tư, phân bón và công chăm sóc, dao động từ 25 – 30 triệu đồng. Với giá bán hiện tại người trồng hành có thể thu được lợi nhuận khá. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thu mua nông sản Thanh Hải hiện có 19 thành viên đang canh tác 9 ha hành tím và tỏi; đồng thời liên kết thu mua sản phẩm hành tím của các hộ dân trong vùng, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 100 tấn hành, tỏi các loại. Đặc biệt, sản phẩm hành tím, tỏi của hợp tác xã đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao đang được bán tại các chợ, siêu thị trong và ngoài tỉnh – bà Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ.
Hành là cây trồng ngắn ngày, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, khoảng 45 – 50 ngày kể từ lúc xuống giống, chăm sóc sẽ cho thu hoạch. Nếu mưa nhiều thì thời gian thu hoạch sẽ từ 60 – 70 ngày, khác với tỏi một năm chỉ sản xuất một vụ, riêng hành tím một năm có thể trồng được 5 vụ. Tùy từng mùa vụ, các hộ lựa chọn xuống các giống hành khác nhau.
Vào mùa Nam từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch, bà con chủ yếu trồng giống hành của Việt Nam (giống địa phương để từ vụ trước), đây là giống có khả năng chịu được nắng nóng, chịu được mưa. Vào vụ Bấc từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch thường trồng giống hành Indonesia. Vào dịp Tết, nhu cầu thị trường tiêu thụ hành tím và các sản phẩm cây gia vị tăng cao.
Ông Trần Hữu Nhân – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải thông tin, hành tím là cây trồng chủ lực tại địa phương vì phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất cát ven biển. Đây cũng là vùng trồng hành tím lớn nhất của tỉnh với diện tích 1.045 ha hành và 23 ha tỏi, sản lượng thu hoạch năm 2024 đạt khoảng 12.540 tấn hành và 228 tấn tỏi. Để nâng cao giá trị sản phẩm và hỗ trợ nông dân, địa phương đang tập trung đầu tư và mở rộng liên kết sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ninh Thuận hiện có khoảng 1.500 ha đất trồng hành, tỏi và cây gia vị. Trồng hành tím đã trở thành một trong những nghề truyền thống và là nguồn thu nhập chính của nông dân tại các huyện Ninh Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Hành tím trồng tại Ninh Thuận có màu sắc đẹp, vỏ bóng mượt, củ to chắc, hương vị thơm nồng đặc trưng và khả năng bảo quản lâu dài. Nhờ những ưu điểm vượt trội này, hành tím Ninh Thuận luôn được thị trường ưa chuộng.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, ngành nông nghiệp địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp như hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiên tiến, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp sinh học và đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Song song đó, tỉnh cũng tập trung phát triển các mô hình liên kết sản xuất nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm hành tím. Các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trồng hành tím tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị và các sàn thương mại điện tử để quảng bá và phân phối sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu