Ngọt ngào qua phố Hàng Đường

Đó là một con phố rất ngắn của vùng lõi phố cổ Hà Nội, với chiều dài chỉ vỏn vẹn 180 mét nhưng Hàng Đường lại mang đậm cái chất “kẻ chợ” của đất Thăng Long, nơi quần tụ của những người chọn con đường “phi thương bất phú” để sống giữa đời.

MẤY TRĂM NĂM TỪ THÔN LÊN PHỐ

Trong lời đề từ của cuốn “Hà Nội băm sáu phố phường” nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam, phố Hàng Đường được nhắc đến đầu tiên. “Hà Nội băm sáu phố phường. Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh”. Chừng đó đủ thấy sự quan trọng của con phố này trong mắt người Hà Nội nói chung và Thạch Lam nói riêng.

Nhìn về mặt địa lý, phố Hàng Đường chính là yết hầu của Hà Nội, nối “cái dạ dày” của thành phố là chợ Đồng Xuân với khu dân cư buôn bán sầm uất Hàng Ngang – Hàng Đào. Đây là trục đường quan trọng nhất trong vùng lõi Kẻ Chợ ngày xưa và phố cổ như cách gọi hiện nay.

Thực tế, trục đường này chính là sợi chỉ liên kết các nhà buôn tầm cỡ trong và ngoài nước. Hàng tơ lụa từ các vùng sản xuất vệ tinh, từ Trung Quốc, Ấn Độ tập kết tại phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Đường mía, đường phèn từ Trung Kỳ vận chuyển ra Hà Nội và được giao dịch ở phố Hàng Đường.

Rồi còn vô số hệ thống tiểu thương rộng rãi, chằng chịt len lỏi quanh những ngõ Hàng Cá, ngõ Chợ Đồng Xuân, ngõ Cầu Đông…

Cho nên, từ bao đời nay, phố Hàng Đường lúc nào cũng như miếng đường vàng Đức Phổ tỏa mùi thơm ngọt thu hút biết bao người đến đây sinh sống, buôn bán, làm ăn rồi gắn bó cả đời cả kiếp với con phố này.

Theo ghi chép dư địa chí của Hà Nội, khởi kỳ thủy, phố Hàng Đường nằm trên địa phận của thôn Vĩnh Thái và thôn Đông Hoa Nội Tự, thuộc tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương (cũ), nơi từng được đưa vào câu ca dao nói về địa danh Hà Nội quen thuộc là “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”.

Đến giữa thế kỷ 19, thôn Vĩnh Thái đổi thành thôn Vĩnh Hanh còn thôn Đông Hoa Nội Tự lại hợp nhất với thôn Đông Hoa Môn và Hậu Đông Hoa thành thôn Đức Môn. Địa danh tổng Hậu Túc cũng được đổi sang thành tổng Đồng Xuân.

Dấu vết của những lần “thương hải tang điền” này hiện vẫn lưu giữ trên phố Hàng Đường với những đình Vĩnh Hanh (gác 3 số nhà 91B), đình Đức Môn (số nhà 38) và chùa Đông Môn hay còn gọi là chùa Cầu Đông, nơi còn bảo tồn rất nhiều thác bản văn khắc bia đá của những năm 1624, 1639, 1711… có giá trị lịch sử cho việc nghiên cứu và tìm hiểu về con phố này.

PHỐ CỦA ĐƯỜNG & ĐƯỜNG CỦA PHỐ

Tên của con phố Hàng Đường là do người Pháp đặt, với tên tiếng Pháp là “rue de Sucre” tức là “phố Đường”. Như đã nói ở phía trên, gốc tích của cái tên này xuất phát từ việc đường vàng, đường phèn được buôn từ Đức Phổ (Quảng Ngãi) ra Hà Nội và bán tại đây.

Sự tập trung của những thương nhân buôn bán đường tại khu vực này là nền tảng để tạo nên một khu chuyên kinh doanh đường và những chế phẩm có liên quan đến đường tại chốn Kẻ Chợ. Đó chính là đặc tính cơ bản của những vùng buôn bán, chợ búa tại Việt Nam. “Buôn có bạn, bán có phường”.

Có thể coi Hàng Đường là con phố ngọt ngào nhất của Hà Nội. Sự ngọt ngào của nó không đến từ hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng hay những câu dạ vâng ngọt như mía lùi của nữ sinh Trưng Vương mà là ngọt từ… đường.

Thời xưa, chốn đây kinh doanh đủ thứ đường. Từ đường cát, đường trắng, đường vàng, đường đen, đường phèn, mật mía… khiến ai qua đây cũng như những chú ong say mật quên cả lối về.

Bởi mà ai chẳng hảo ngọt nhỉ? Hảo ngọt phải hiểu theo đúng nghĩa đen, là yêu vị ngọt, yêu những bát chè ngọt lừ thơm phức được nấu bằng đường mua ở Hàng Đường.

Bây giờ, phố Hàng Đường không còn chỉ kinh doanh chuyên biệt đường nữa. Thế nhưng, con phố này vẫn là một điểm đến hấp dẫn và ngọt ngào. Người Hàng Đường bây giờ bán bánh kẹo và ô mai, vẫn là những thức cực kỳ liên quan mật thiết tới đường. Phố cũng có nhiều shop quần áo, nhưng có lẽ, người ta chỉ biết và liên tưởng tới phố Hàng Đường bởi thứ đặc sản ở đây vẫn bán: ô mai.

OH, MY Ô MAI HÀNG ĐƯỜNG

Ô mai. Một cái tên gọi đầy tính khám phá, ngạc nhiên, và thảng thốt. Ô mai là món ăn vặt rất đỗi quen thuộc với người dân Hà Nội, đặc biệt là các cô thiếu nữ yểu điệu đất Hà Thành. Ở xứ sở nhiệt đới này có cơ man trái cây, hoa quả và chỉ cần chế biến với đường là thành ô mai.

Ô mai mận, mơ, sấu, chanh đào, khế, xí muội, hồng bì, quất, me, xoài, mận cơm… rồi mỗi loại quả lại phái sinh ra vài loại ô mai khác nhau. Vào một cửa hiệu bán ô mai ở Hàng Đường, cứ ngỡ như lạc vào một hiệu thuốc Đông y hoành tráng với những chiếc tủ đồ sộ có hàng chục ngăn kéo, mỗi ngăn kéo lại chứa một loại ô mai khác nhau, được ghi rõ tên bên ngoài tay nắm.

Ô mai Hàng Đường ngon nức tiếng không chỉ ở chốn của những cái lưỡi sành ăn này mà cả nước. Tháng hai, tháng ba âm lịch này là mùa của mơ chùa Hương. Vậy sao không ăn một miếng ô mai mơ dẻo của Hàng Đường nhỉ? Vị mơ chua dịu, hương mơ thơm dày dặn kết hợp với vị đường ngọt quánh, cay cay mẩu gừng mi nhon tạo thành một cảm xúc ướt rượt nước miếng.

Thế nên, chẳng lúc nào vỉa hè của con phố Hàng Đường thưa thớt những tiếng lách cách của gót giày gõ trên nền đá trước những cửa hiệu sản xuất và bán ô mai lừng danh như Tiến Thịnh (số nhà 21), Gia Lợi (số nhà 8) và Hồng Lam (số nhà 11).

Cũng từ những hàng ô mai này, nhiều doanh nhân đã phát triển thương hiệu lên tầm nhận diện quốc gia như nhãn hiệu ô mai Hồng Lam. Không chỉ còn bán ô mai ở phố Hàng Đường nữa, doanh nghiệp này còn xuất hiện ở các thành phố lớn, các quầy hàng đặc sản Việt Nam ở sân bay… để ô mai trở thành “Oh Mine” với những du khách nước ngoài.

Là vậy, nên chẳng khi nào con phố Hàng Đường lại chẳng ngọt ngào như đường!

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu