Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết: Theo thống kê của Cơ quan quản lý cấp phép nhập khẩu gạo thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines, tính đến cuối tháng 10/2024, Philippines đã nhập khẩu tổng số 3,68 triệu tấn gạo.
Con số này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 và vượt qua tổng lượng gạo nhập khẩu năm 2023 của Philippines theo tính toán của cơ quan này (Cơ quan quản lý cấp phép nhập khẩu gạo thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines thống kê tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines năm 2023 là 3,61 triệu tấn). Đặc biệt, Việt Nam vẫn giữ vững ngôi đầu xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines.
Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2024, Philippines nhập khẩu 2,91 tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Đứng thứ hai là Thái Lan với 457.673,28 tấn, chiếm 12,4%. Tiếp theo là Pakistan với 162.369,48 tấn, chiếm 4,5%, và Myanmar và Ấn Độ lần lượt là 114.766,75 tấn và 22.039,04 tấn.
Tính riêng từ đầu năm đến ngày 24/10/2024, Philippines nhập khẩu 380.541,58 tấn gạo, cao hơn rất nhiều so với con số 163.217,40 tấn gạo nhập khẩu trong tháng 10 năm 2023. Với xu hướng tăng trưởng này, dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong cả năm 2024 sẽ ở mức trên 4 triệu tấn, có thể đạt 4,5 triệu tấn.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho hay, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines. Để xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines bền vững, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Philippines khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước ngoài việc tiếp cận xuất khẩu sang thị trường mới phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines đồng thời lưu ý, hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo xuất khẩu. Qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, giữ được giá bán ổn định và không để xảy ra cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu