Chính phủ Anh siết chặt kiểm soát nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch lở mồm long móng sau khi số ca bệnh tăng tại nhiều quốc gia châu Âu.
Những du khách từ Anh sang châu Âu với mong muốn thưởng thức thịt nguội và phô mai hảo hạng sẽ không thể mang các đặc sản này trở lại Anh sau kỳ nghỉ.
Theo quy định mới nhằm phòng chống tình trạng lây lan dịch bệnh lở mồm long móng (FMD), những loại thịt từ bò, cừu, dê, lợn và sản phẩm từ sữa của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị từ chối mang vào lãnh thổ Anh với mục đích cá nhân.
Bánh mì kẹp phô mai hoặc thịt nguội, các sản phẩm như thịt tươi, thịt chế biến, sữa và các chế phẩm từ sữa đều bị cấm, dù được đóng gói, mua tại cửa hàng miễn thuế hay mang theo từ nước ngoài.
Thịt ướp muối được bán tại một cửa hàng ở Rome
Một số trường hợp ngoại lệ vẫn được cho phép, bao gồm một lượng nhỏ sữa cho trẻ sơ sinh, thực phẩm điều trị y tế và các sản phẩm tổng hợp như sôcôla, bánh ngọt, bánh mì, mì ống và bánh quy.
Mặc dù không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, FMD là loại bệnh hình thành từ virus cực kỳ nguy hiểm đối với gia súc, lây lan nhanh ở bò, cừu, lợn và các động vật móng guốc chẻ như lợn rừng và nai. Anh chưa ghi nhận ca bệnh nào tính tới thời điểm hiện tại.
Bộ Môi trường, Lương thực và Các vấn đề Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA) cho biết: “Đợt bùng phát dịch bệnh tại châu Âu hiện nay là mối đe dọa lớn đối với các trang trại và vật nuôi tại Anh”. Ngoài ra, dịch bệnh có nguy cơ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng do sụt giảm sản lượng, đồng thời ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu thịt và sữa ra thị trường quốc tế.
Trước đó, Anh đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu gia súc, thịt lợn và sản phẩm sữa từ các nước Đức, Hungary, Slovakia và Áo – những nơi ghi nhận các ổ dịch FMD.
Lệnh cấm mới lần này chỉ có hiệu lực đối với hành khách nhập cảnh vào Anh, Scotland và Wales, không áp dụng với hàng nhập khẩu cá nhân đến Bắc Ireland, Jersey, Guernsey hay đảo Man.
Ông Daniel Zeichner, Bộ trưởng phụ trách An ninh lương thực và Các vấn đề nông thôn nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ tăng cường bảo vệ nông dân khỏi nguy cơ bùng phát dịch. Việc siết chặt kiểm soát các sản phẩm thịt và sữa mang theo là một phần trong nỗ lực bảo vệ ngành nông nghiệp và an ninh lương thực quốc gia”.
Theo ông Jorge Martin-Almagro, Phó Cục trưởng Thú y phụ trách quốc tế và thương mại của Anh, các kế hoạch ứng phó đã sẵn sàng để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh. Biện pháp kiểm dịch mới cùng với những quy định hiện hành đóng vai trò then chốt trong chiến lược giảm thiểu nguy cơ FMD xâm nhập.
Các hộ chăn nuôi cần đảm bảo tình trạng sức khỏe của vật nuôi, duy trì vệ sinh chuồng trại và lập tức báo cáo với Cơ quan Y tế Động thực vật (APHA) nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ.
Chính phủ Anh cảnh báo: “Những trường hợp bị phát hiện mang theo các sản phẩm cấm sẽ buộc phải giao nộp hoặc bị tịch thu và tiêu hủy ngay tại cửa khẩu. Cá nhân vi phạm thậm chí có thể chịu mức phạt lên tới 5.000 bảng Anh (hơn 171 triệu VND) nếu nhập cảnh vào Anh”.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu