Hóa chất 6-Benzylaminopurine để kích thích tăng trưởng bị cấm dùng trong sản xuất thực phẩm vì có mức độ nguy hại lớn. Khi ăn phải lượng lớn loại hóa chất này có thể gây tử vong.
Hóa chất 6-Benzylaminopurine làm giá đỗ “siêu tốc” nguy hiểm đến mức nào?
Việc liên tiếp phát hiện các cơ sở sản xuất giá đỗ bằng hóa chất độc hại (6-Benzylaminopurine) ở Huế và Đắk Lắk những ngày qua khiến dư luận phẫn nộ.
Tại Huế, thời điểm cơ quan chức năng phát hiện là 750 kg và chỉ “sắp đưa ra thị trường”. Nhưng ở Đắk Lắk, hàng nghìn tấn giá đỗ độc hại đã được tiêu thụ, thậm chí len lỏi vào các siêu thị lớn với nhãn mác “Không hóa chất”, “Vì sức khỏe cộng đồng” gây phẫn nộ dư luận.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin) thế hệ tổng hợp đầu tiên.
6-Benzylaminopurine là hóa chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng cho thực phẩm, bị các cơ sở sản xuất sử dụng để kích thích giá đỗ mọng nước, ngắn rễ và bắt mắt hơn.
Theo ông Thịnh, với cơ thể con người, khi ăn lượng nhỏ sẽ chưa ảnh hưởng sức khỏe ngay. Ngược lại khi ăn phải lượng lớn loại hóa chất có thể gây tử vong. Nếu tiếp xúc hít, qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh, ung thư…
Ông Thịnh nhấn mạnh: “Vẻ ngoài hấp dẫn đó đang âm thầm đầu độc người tiêu dùng, có thể gây ngộ độc cấp tính, tổn thương da, viêm kết mạc và lâu dài, dẫn đến tổn hại nghiêm trọng cho các cơ quan hô hấp và nội tạng. Hành vi người Việt tự “đầu độc” người Việt như thế này là lối làm ăn phi pháp, thiếu đạo đức, đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe đồng bào mình”.
Từ vụ hóa chất 6-Benzylaminopurine làm giá đỗ: Cách nhận biết đâu là giá đỗ sạch
Để nhận biết, ông Thịnh cho hay, giá ngâm hóa chất thường mập, to tròn, bóng bẩy, thân đều đặn, đẹp mắt nhưng rất giòn và dễ gãy. Trong khi đó, giá sạch thường gầy hơn, không bóng, thân cứng và khó đứt gãy. Giá sạch được ủ truyền thống từ 3-5 ngày, cọng nhỏ, dài khoảng 3-7cm, có nhiều rễ do hút nước, còn giá ngâm hóa chất được ủ nhanh hơn và ít rễ hơn.
“Về màu sắc, giá sạch có màu vàng nhạt tự nhiên, trong khi giá ngâm hóa chất thường có màu trắng sứ, trông bóng bẩy hơn. Khi ăn, giá sạch có vị ngọt thanh, giòn, đặc và nhiều nước, còn giá ngâm hóa chất thường xốp, khô, ăn không thơm và ít ngọt. Giá là thực phẩm giàu protein, chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Việc sử dụng giá hoặc mầm ngũ cốc còn giúp tăng giá trị dinh dưỡng và khả năng hấp thụ dưỡng chất từ các loại đậu, ngũ cốc”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Trước đó, qua theo dõi trên không gian mạng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện nhóm đối tượng trong nhóm “Hội giá đỗ Miền Nam” và “Hội làm giá đỗ” có những dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên. Bao gồm: 2 cơ sở của đối tượng Lâm Văn Đạo, sinh năm 1990, trú ở Buôn Kô Tam, xã Ea Tu; 2 cơ sở của đối tượng Vũ Duy Tư, sinh năm 1991, trú tại Tổ dân phố 8, phường Tân Hoà; 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh, sinh năm 1973, trú tại Tổ dân phố 6, P. Tân Hòa; 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo, sinh năm 1988, trú tại Tổ dân phố 1, phường Tân Hoà.
Lực lượng công an phát hiện các cơ sở sử dụng một loại chất lỏng không màu, mà nhóm này gọi là “nước kẹo”. Sau khi giám định, “nước kẹo” mà chủ các cơ sở dùng để làm “phụ gia” trong sản xuất giá đỗ là hoạt chất 6-Benzylaminopurine. Đây là hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn thường xuyên dùng chất cấm này để pha vào nước ngâm ủ làm giá đỗ, với mục đích làm cho rễ cây giá ngắn lại để tập trung dưỡng chất phát triển cho thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp.
Quá trình kiểm tra, Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, thu giữ 20.357 kg giá đỗ mà nhóm này đã ngâm hoạt chất 6- Benzylaminopurine.
Kết quả điều tra làm rõ, trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine.
Các đối tượng thường bán sỉ cho các đại lý ở chợ đầu mối Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, sau đó được vận chuyển về các huyện, thị xã, thành phố để tiêu thụ.
Đáng nói, một cơ sở sản xuất giá đỗ độc hại khai rằng, có ký hợp đồng cung cấp cho Bách Hóa Xanh từ 350kg – 400kg giá đỗ/ngày. Và trên bao bì gói thứ giá đỗ này, lại được dán lên những nhãn mác ghi rất kêu như “Vì sức khỏe của mọi người”, “không hóa chất”, “không chất kích thích”, “không chất bảo quản”.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu