Bước sang những tháng cuối năm 2024, Bắc Giang đang tập trung tối đa các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, phấn đấu đạt kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo tại hội nghị thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản các tháng cuối năm 2024 diễn ra vừa qua, nông nghiệp, nông thôn 7 tháng năm 2024 có sự phát triển toàn diện. Năng suất lúa vụ Chiêm xuân 2024 đạt 60,6 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng rau các loại đạt hơn 370 nghìn tấn, tăng hơn 18.400 tấn so với cùng kỳ năm 2023; vải thiều tiêu thụ thuận lợi, giá bán tăng từ 2,5-3 lần so với cùng kỳ; các loại cây trồng khác sinh trưởng, phát triển tốt; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 177,2 nghìn tấn, tăng 1,79% so với cùng kỳ năm 2023. Tỉnh đã có sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản và vật tư nông nghiệp được quan tâm triển khai; sản xuất nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị, xuất hiện nhiều mô hình kết hợp giữa du lịch với phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng đơn vị diện tích.
Các địa phương trên địa bàn đã chủ động triển khai, chỉ đạo, theo dõi và nắm bắt tình hình sản xuất, tích cực phối hợp với các ngành liên quan khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng bền vững, góp phần tăng trưởng chung của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát như: sâu cuốn lá nhỏ hại lúa, dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm… Dự báo lĩnh vực nông nghiệp không tăng trưởng, thậm chí có thể tăng trưởng âm do sản lượng một số cây trồng giảm mạnh so với cùng kỳ.
Để thực hiện mục tiêu toàn tỉnh phấn đấu năm 2024, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì đà tăng trưởng khoảng 0,15%/năm, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cả năm 2024 (theo giá so sánh 2010) đạt 22.874,2 tỷ đồng, tăng 34,5 tỷ đồng so với năm 2023 (trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và hoạt động dịch vụ đạt 20.054,4 tỷ đồng; lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ đạt 1.310,8 tỷ đồng; khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 1.509 tỷ đồng) như trong Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 08/8/2024 của UBND tỉnh đã đề ra, tỉnh Bắc Giang đặt quyết tâm cao độ thực hiện các giải pháp hỗ trợ các địa phương trong phát triển, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tập trung tháo gỡ nút thắt trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới: nước sạch, vệ sinh, môi trường.
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, đề án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhất là Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 và Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023; hướng dẫn thực hiện việc tổ chức sắp xếp bộ máy với cán bộ thú y cấp xã; giải quyết tồn đọng về quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp; hỗ trợ các vùng tập trung, xây dựng nhà lưới, nhà màng; các giải pháp ưu tiên sửa chữa các công trình thủy lợi; triển khai hướng dẫn phân loại đối với truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP.
Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác dự tính dự báo, tập trung cao chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng. Tập trung cao phòng, chống dịch bệnh để tạo điều kiện phát triển chăn nuôi. Đẩy mạnh phát triển vật nuôi chủ lực, thúc đẩy tăng trưởng những loại vật nuôi khác còn dư địa phát triển. Làm tốt công tác phòng chống thiên tai, nhất là hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi; đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất; tập trung hoàn thành xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y bảo đảm quản lý tốt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông sản đảm bảo chất lượng hướng đến xuất khẩu. Tập trung hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức kinh tế tập thể để hợp tác xã nông nghiệp thực sự là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu