Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, để chủ động nguồn cung nông sản, thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm người nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tập trung sản xuất, chăm bón rau màu cũng như đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm.
Để hỗ trợ nông dân hồi phục sản xuất sau cơn bão số 3, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ đông góp phần khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Kết quả đánh giá sơ bộ thiệt hại của ngành nông nghiệp cho thấy, ước tính 2.287 tỷ đồng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng trọt và thủy sản, lĩnh vực chăn nuôi thiệt hại ít so với tổng đàn của thành phố.
Do vậy, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ bổ sung kinh phí cho tổ chức, cá nhân triển khai gieo trồng cây vụ Đông năm 2024 tại diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại và cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định. Cụ thể đối với đậu tương, ngô, lạc là 12 triệu đồng/ha; khoai tây, khoai lang là 30 triệu đồng/ha; rau các loại là 10 triệu đồng/ha. Dự kiến kinh phí thực hiện là 213,392 tỷ đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân Thủ đô tập trung sản xuất trong các tháng cuối năm, tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi…
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân Thủ đô trong những tháng cuối năm, nhất là vào dịp lễ, tết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã đôn đốc, chỉ đạo sản xuất vụ Đông 2024-2025 thời vụ và kế hoạch gieo trồng.
Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh sản xuất, không bỏ ruộng, bảo đảm tổ chức sản xuất vụ đông theo kế hoạch đề ra; rà soát diện tích ruộng bỏ không để đưa vào sản xuất cây trồng và chuyển đổi cây trồng phù hợp; khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất – tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tất cả đang phấn đấu có một vụ sản xuất đạt hiệu quả cao nhất, bù đắp cho những thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Vào thời điểm này, nhìn chung về chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội khá ổn định. Đàn trâu hiện tại có 29,5 nghìn con, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023; đàn bò 125,1 nghìn con, giảm 2,3%; chăn nuôi lợn tiếp tục tái đàn. Trong tháng 9/2024 không xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, giá bán lợn hơi xuất chuồng có xu hướng tăng trong quý III-2024, thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn. Đàn lợn hiện có 1,46 triệu con; đàn gia cầm 42,4 triệu con, tăng 1,1% (riêng đàn gà 28,4 triệu con, tăng 1,3%).
Ông Nguyễn Văn Bảy, chủ trang trại lợn ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, cơn bão số 3 không làm gia đình ông bị thiệt hại mấy về chăn nuôi, nhưng vẫn đang tập trung tái đàn để kịp phục vụ cho dịp cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao. Dù có bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 thực phẩm phục vụ cho dịp cuối năm vẫn dồi dào không có tình trạng thiếu nguồn cung.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, hợp tác xã đang nuôi hơn 5.000 lợn thịt và 500 lợn nái. Dự kiến, trang trại sẽ xuất bán 100-150 tấn thịt lợn/ngày phục vụ thị trường cuối năm. Theo quy luật, vào thời điểm cận Tết, giá thịt lợn sẽ cao hơn ngày thường. Đây cũng là thời điểm được các hộ chăn nuôi tính toán vào đàn phù hợp, đồng thời tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã gieo trồng diện tích rau màu là 24.176 ha, đạt 97,96% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, rau màu sinh trưởng tốt, sâu bệnh được phòng trừ kịp thời, không có diện tích bị thiệt hại nặng do sâu bệnh gây ra. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, cơn bão số 3 và mưa lũ đã gây thiệt hại toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Văn Đức. Toàn xã có hơn 288ha trồng rau màu, hoa cây cảnh, cây ăn quả bị thiệt hại. Để khắc phục, nhân dân trong xã đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng, tập trung gieo trồng các loại cây ngắn ngày, gồm rau cải ăn lá các loại trên tổng diện tích hơn 40ha.
Điển hình như gia đình bà Phạm Thị Hoa ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội) có 7 sào ruộng trồng bắp cải, súp lơ, cà tím… bị hỏng, thiệt hại hơn 40 triệu đồng. Ngay sau bão lũ, gia đình bà đã đầu tư 25 triệu đồng mua giống cây bắp cải, cải ngọt, cà chua để tái sản xuất, kịp khung thời vụ vụ Đông.
Để hỗ trợ nông dân trên địa huyện khắc phục hậu quả bão lũ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Lâm đã phun tiêu độc, khử trùng môi trường trong chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các khu vực bị ngập úng, với tổng diện tích 1.100.000 m2; hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại, vệ sinh, khử trùng tiêu độc, di chuyển gia súc từ nơi lưu trú tạm thời về chuồng trại; nhập đàn, tái đàn, ổn định sản xuất.
Bà Hoàng Thị Thùy Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho hay, trung tâm đang hướng dẫn những hộ nông dân khôi phục diện tích cây ăn quả, cây hàng năm, cây rau màu… đã bị thiệt hại do mưa bão; đồng thời, triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp vụ thu – đông sớm năm 2024, phấn đấu gieo trồng đạt 1.693,29 ha.
Còn tại vựa rau an toàn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), người dân đã chủ động ra đồng bãi để thu gom toàn bộ những tàn dư cây trồng bị hỏng, thu gọn các giàn bầu, giàn bí bị sập do gió lớn, xới lại đất cho tơi để bắt tay ngay vào vụ Đông chứ không trông chờ hỗ trợ. Đến thời điểm này, nhiều thửa ruộng trồng rau đã xanh trở lại. Theo bà con ở đây nếu vụ rau thuận lợi như các năm trước, mỗi ngày ở bãi rau an toàn Phú An, có thể xuất được 15 – 20 tấn rau ra thị trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp, từ nay đến cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường, các hộ dân cần theo dõi tình hình dịch bệnh, sản xuất theo nhu cầu thị trường không nên chủ quan. Đối với loại rau ngắn ngày có thể trồng rải vụ, gối vụ, đa dạng hóa cây trồng vụ Đông, tăng diện tích, sản lượng. Đặc biệt, nông dân cần chăm sóc đúng yêu cầu kỹ thuật đối với từng loại cây, từng giai đoạn sinh trưởng của cây; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, dự tính, dự báo phòng, trừ sâu bệnh như rệp, bọ nhảy, sâu xanh, bệnh sương mai hại rau, sâu keo mùa thu, khô vằn hại ngô…
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu