Qua 100 năm kể từ khi cây dừa sáp đầu tiên của Việt Nam bén rễ ở vùng đất Cầu Kè (Trà Vinh), loại dừa độc đáo này đã khẳng định được vị thế, trở thành “ông hoàng” đặc sản của tỉnh Trà Vinh, cho giá trị kinh tế rất cao so với các loại cây trồng khác.
Nhờ đặc tính kén thổ nhưỡng và hiếm quả, rất khó cho quả sáp ở những vùng đất khác, nên Trà Vinh được mệnh danh là “thủ phủ dừa sáp”. Với tiềm năng, thế mạnh đó, tỉnh đang tập trung nâng cấp chuỗi giá trị dừa sáp để ngành hàng này phát triển bền vững.
Hiệu quả cao cho nhà vườn
Gia đình ông Phô Sa Rây, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè có 1,3 ha đất trước đây trồng lúa, lợi nhuận bình quân cao nhất cũng chỉ được 60 triệu đồng/năm. Nhận thấy vùng đất này trồng lúa năng suất thấp, giá lúa không ổn định thu nhập bấp bênh nên năm 2019, ông Sa Rây quyết định cải tạo đất, lên liếp trồng 360 cây dừa sáp giống truyền thống. Sau 3 năm vườn dừa sáp bắt đầu cho trái, tuy năng suất chưa ổn định do còn “non tuổi” nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông khoảng 120 triệu đồng/năm, cao gấp đôi so với trồng lúa trước đây.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè Nguyễn Thị Nhiền cho biết, Cầu Kè là vùng đất trù phú nhất tỉnh Trà Vinh, nhờ được phù sa của dòng sông Hậu bồi đắp cho cây trái xanh tốt quanh năm, nên trở thành vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản của tỉnh, với nhiều loại như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, xoài, bưởi… Đặc biệt là dừa sáp, loại quả đứng ở “ngôi vị” cao nhất trong tất cả các loại trái cây đặc sản của tỉnh Trà Vinh.
Đến nay, huyện Cầu Kè có tổng diện tích trồng dừa sáp 1.145 ha, chiếm 92% diện tích trồng dừa sáp của tỉnh, sản lượng trung bình hàng năm trên 3 triệu quả. Với giá bán cao hơn nhiều lần so với dừa thường nên mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho hơn 2.000 hộ trồng dừa sáp ở Cầu Kè; trong đó, hộ Khmer chiếm trên 70%, với mức cao gấp 3-4 lần/ha so với trồng dừa thường.
Do hiệu quả kinh tế cao nên khoảng 20 năm nay, diện tích trồng dừa sáp ở Trà Vinh liên tục tăng. Từ 43 ha năm 2005, đến năm 2017 Trà Vinh đã mở rộng lên 170 ha và đạt diện tích 1.277 ha năm 2024, với khoảng 250.000 cây dừa sáp.
Những năm gần đây, Trường Đại học Trà Vinh nghiên cứu và sản xuất thành công giống dừa nuôi cấy phôi thích nghi tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là có khả năng chịu phèn, mặn, tỷ lệ cho trái sáp trên 75%/buồng. Việc ứng dụng giống dừa sáp được sản xuất theo công nghệ kỹ thuật mới đã giúp nhà vườn nâng cao hiệu quả sản xuất. Bởi dừa sáp giống thường (truyền thống) cho tỷ lệ sáp chỉ từ 20-30%/buồng, với khoảng 20-25 trái/cây/năm thì dừa sáp nuôi cấy phôi cho tỷ lệ trái sáp từ 75-80%/buồng, bình quân khoảng 55-60 trái/cây/năm.
Trong tổng diện tích dừa sáp 1.277,6 ha của tỉnh, đến nay nhà vườn Trà Vinh đã đưa giống dừa cấy phôi vào canh tác khoảng 31 ha. Với giá dừa sáp hiện nay (từ 70.000-120.000 đồng/trái tùy chất lượng, thể tích, trọng lượng) thì những vườn dừa sáp bắt đầu cho năng suất ổn định, người trồng có thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/ha/năm đối với giống thường và trên 700 triệu đồng/ha/năm đối với giống dừa sáp nuôi cấy phôi; lợi nhuận đạt khoảng 85-90% sau khi trừ chi phí.
Trước đây, chỉ có vùng đất của huyện Cầu Kè mới trồng được cây dừa sáp cho trái sáp, nhưng với những giống dừa sáp hiện nay đã có thể trồng ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Trà Vinh, những năm gần đây, cây dừa sáp cũng bén rễ ở nhiều vùng đất mới trong tỉnh. Hiện huyện Tiểu Cần có 66,8 ha dừa sáp, huyện Châu Thành có 22,6 ha, huyện Càng Long có 20,25 ha, huyện Trà cú có 20,25 ha và thành phố Trà Vinh có 9,55 ha.
Nông dân Kiên Nhu, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh chuyển đổi 0,5 ha đất lúa sang trồng dừa sáp gần 10 năm nay, cho lợi nhuận tăng gấp 10 lần so với trồng lúa trước đó. Hiện vườn dừa sáp cho thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng/tháng, ngoài ra gia đình ông còn có thêm nguồn thu từ các loại cây trồng có múi và cây xoài xen canh với dừa sáp nên thu nhập cải thiện rõ rệt so với trồng lúa trước kia.
Thúc đẩy ngành hàng dừa sáp phát triển bền vững
Hiện nay, nguồn tiêu thụ dừa sáp của nhà vườn ở Trà Vinh chủ yếu qua thương lái thu mua nhỏ lẻ, chưa được bao tiêu hay liên kết lâu dài giữa nhà vườn và doanh nghiệp, giá cả tùy thời điểm. Tuy “cung chưa vượt cầu”, nhiều thời điểm như dịp Tết Đoan Ngọ, rằm tháng 7, Tết Nguyên đán, lễ Vu lan Thắng hội…nguồn dừa sáp còn bị khan hiếm không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài tỉnh, nhưng việc mở rộng nhanh diện tích loại quả này như hiện nay rất khó lường.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, cây dừa sáp trên địa bàn tỉnh sản xuất chưa theo quy hoạch, trồng manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung nên dễ bị lai tạp, thoái hóa giống.
Cùng với đó, toàn tỉnh hiện chỉ có 2 công ty, 1 hợp tác xã và 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh dừa sáp và các sản phẩm chế biến từ dừa sáp. Vì vậy, quả dừa sáp hiện chủ yếu bán tươi, nên việc phát triển nhanh diện tích như hiện nay rất dễ dẫn đến “cung vượt cầu”, khiến thị trường tiêu thụ khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, thời gian qua, tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm trên thị trường. Toàn tỉnh hiện có hơn 100 sản phẩm được chế biến từ dừa sáp; trong đó, 15 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên. Đặc biệt, tỉnh có sản phẩm “dừa sáp sợi” của Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) đạt chuẩn OCOP cấp quốc gia (5 sao).
Dừa sáp Cầu Kè đã được đưa vào danh sách là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam (theo Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam) từ tháng 8/2012. Mới đây, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã công nhận “Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là Cây dừa Việt Nam”, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” với sản phẩm “Quả dừa sáp”. Dừa sáp và một số sản phẩm chế biến từ dừa sáp Trà Vinh đã có mặt ở thị trường quốc tế, nhưng số lượng vẫn khá “khiêm tốn” so với vị thế “độc tôn” của các loại dừa Việt Nam, “ông hoàng” đặc sản Trà Vinh.
Để dừa sáp Trà Vinh phát triển bền vững, tỉnh đề ra nhiều giải pháp; trong đó việc thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa sáp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừa sáp nhằm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Tỉnh khuyến khích, ưu tiên doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ chế biến sâu đầu tư nhà máy chế biến ở địa phương để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ tốt trong và ngoài nước.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách của Trung ương và tỉnh trong sản xuất, kinh doanh, chế biến dừa sáp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, nhất là thông tin truyền thông, khai thác các kênh bán hàng trực tuyến để quảng bá sản phẩm đặc trưng của miền đất Trà Vinh cho khách hàng trong nước và ngoài nước.
Cùng đó, Trà Vinh quy hoạch vùng trồng, mở rộng canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP; khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học, đưa các giống dừa cấy phôi, cấy mô có tỷ lệ sáp cao để cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng dừa sáp toàn tỉnh ổn định 1.500 ha, với sản lượng khoảng 3,8 triệu quả; trong đó, ít nhất 200 ha dừa sáp trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP. Có ít nhất 3 doanh nghiệp liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã và hộ trồng dừa sáp xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ các chuỗi sản phẩm dừa sáp có giá trị gia tăng cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu