Xây dựng tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với sản phẩm OCOP

Được mệnh danh là “thủ phủ” rau cần, xã Hoàng Lương (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã tận dụng tiềm năng về nông sản này, từ đó triển khai mô hình dân vận khéo “Vận động hội viên nông dân xây dựng tổ hội nông dân nghề nghiệp” đạt hiệu quả cao.

 

Xây dựng tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với sản phẩm OCOP 23
“Thủ phủ” rau cần Hoàng Lương đang từng bước mở rộng quy mô, sản lượng qua mô hình “Dân vận khéo”.

Hoàng Lương là một xã trung du nằm ở phía bắc của huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) với diện tích đất tự nhiên là 434,71 ha; trong đó diện tích đất nông nghiệp là 260 ha. Xã Hoàng Lương từ trước đến nay đã nổi tiếng với rau cần và cá giống. Nổi bật hơn cả là cây rau cần mang thương hiệu xã Hoàng Lương. Loại cây rau này được du nhập vào Hoàng Lương từ những năm trước đây do người nông dân mang về trồng trong các ao làng nhằm tăng gia sản xuất, cải thiện rau xanh cho gia đình. Cho đến nay, rau Cần Hoàng Lương – Hiệp Hòa là sản phẩm OCOP 3 sao nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Cây rau cần đã gắn bó với người dân xã Hoàng Lương mấy chục năm nay và đã góp phần lớn giúp người dân nơi đây vươn lên làm giàu với thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy xã Hoàng Lương và chương trình công tác của Hội Nông dân xã năm 2024, Hội Nông dân xã Hoàng Lương đã đăng ký xây dựng mô hình Dân vận khéo với nội dung “Vận động hội viên nông dân xây dựng tổ hội nông dân nghề nghiệp”. Theo đó, địa bàn thực hiện mô hình được đăng ký tại thôn Thanh Lương xã Hoàng Lương với quy mô 12 hộ.

Xây dựng tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với sản phẩm OCOP 24
Các hộ dân cùng ngành nghề tập hợp thành tổ hội tạo nên vùng chuyên canh rau cần trên địa bàn xã.

Mô hình được triển khai nhằm tập hợp các hộ nông dân có cùng ngành nghề, cùng sở thích thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ cách làm hay, sáng tạo trong lao động, đồng thời cùng hợp đồng mua vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, cùng bán sản phẩm do mình làm ra. Qua đó tạo nên một “cộng đồng” trao đổi và thương mại cho người dân dựa trên nông sản tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà ở đây phải kể đến rau cần và cá giống.

Trong quá trình hoạt động của tổ hợp tác, Hội nông dân xã đã chủ động gặp gỡ hỗ trợ tổ hợp tác về khoa học kỹ thuật, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, lồng ghép tuyên truyền chủ trương đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương và nhiệm vụ công tác Hội Nông dân.

Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc 5 tự: “Tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm” và 5 cùng: “(1) Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; (2) Cùng mối quan tâm; (3) Cùng có sự chia sẻ; (4) Cùng chịu trách nhiệm và (5) Cùng hưởng lợi” và thực hiện tốt theo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam.

Đến hiện tại, Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của việc thành lập Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp để vận động hội viên, nông dân tham gia Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.

Khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực của địa phương và nhu cầu tham gia của hội viên, nông dân trên địa bàn để thành lập Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo theo tiêu chí 5 tự, 5 cùng. Qua đó đưa Tổ hội đi vào sinh hoạt, hàng tháng được tổ chức tại Nhà văn hóa thôn.

Xây dựng tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với sản phẩm OCOP 25
Rau cần là sản phẩm OCOP cho năng suất cao góp phần nâng cao thu nhập người dân, xây dựng Nông thôn mới ngày một vững mạnh.

Việc thực hiện mô hình dân vận khéo “Vận động hội viên nông dân xây dựng tổ hội nông dân nghề nghiệp” đã góp phần thúc đẩy hiệu quả sản xuất cũng như nâng cao thương hiệu nông sản địa phương, đặc biệt vì xã Hoàng Lương là vùng chuyên canh rau cần nên các hộ dân tham gia sản xuất đều đạt sản lượng và chất lượng tốt. Cụ thể sản lượng bình quân ước đạt  4,5 – 5 tấn/ sào/ năm; sản lượng toàn vùng ước đạt được từ 27 – 30 ngàn tấn/năm. Thu nhập bình quân ước đạt 25-30 triệu đồng/ sào/ năm tương đương từ 700 đến 800 triệu đồng ha/ năm; toàn xã ước đạt 150 tỷ /năm.

Cũng từ hiệu quả kinh tế cao mà rau cần mang lại cùng với việc thành lập các tổ đội qua mô hình dân vận khéo, Nhân dân đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang làm rau cần. Đến nay, diện tích rau cần toàn xã là 185 ha, trong đó có 140 ha đã đạt tiêu chuẩn VietGap.

Hiện nay, trên địa bàn xã Hoàng Lương có 7 HTX sản xuất và tiêu thụ rau cần, sản phẩm của các HTX khi đưa ra thị trường đều có tem nhãn, bao bì riêng, khẳng định được chất lượng và nguồn gốc sản phẩm của mình.

Mô hình “Dân vận khéo” đã và đang được xã Hoàng Lương triển khai một cách linh động, sáng tạo, với tiềm năng về sản phẩm OCOP sẽ là tiền đề để phát triển thêm nhiều HTX, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, tiến tới xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng Nông thôn mới ngày một đi lên.