Thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu gạo

Nhãn hiệu gạo góp phần nâng cao giá trị, tăng khả năng nhận biết của người tiêu dùng, các doanh nghiệp rất quan tâm việc đăng ký và xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), xu hướng tiêu dùng hiện nay đã có nhiều thay đổi. Nếu trước đây người dân có thói quen mua gạo tại các cửa hàng được bày bán theo hình thức nhiều chủng loại, đựng trong các thúng thì hiện nay, bà con ưu tiên lựa chọn những túi gạo được đóng gói sẵn với nhãn hiệu rõ ràng.

Điều này khẳng định, nhãn hiệu gạo góp phần nâng cao giá trị, tăng khả năng nhận biết của người tiêu dùng. Do đó, nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá tổng quan về sở hữu trí tuệ và các giải pháp bảo vệ bản quyền sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực lúa gạo. Ảnh: Kim Anh.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá tổng quan về sở hữu trí tuệ và các giải pháp bảo vệ bản quyền sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực lúa gạo. Ảnh: Kim Anh.

Thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, cả nước hiện có khoảng 300.000 nhãn hiệu được bảo hộ trong tất cả các lĩnh vực, trong đó các sản phẩm ngành nông nghiệp chiếm khoảng 16%.

Tuy nhiên, ông Bảy cũng chỉ ra thực trạng xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, hàng giả mạo nhãn hiệu rất nhiều. Như trường hợp nhãn hiệu Gạo Ông Cua của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, những túi gạo ST25 có rất nhiều nhà cung cấp. Vấn đề đặt ra khi nói đến giống lúa ST25 thì ai tạo ra, giống đó có được bảo hộ không. Hay trên túi gạo chỉ thể hiện đơn vị cung cấp, không có chủ sở hữu nhãn hiệu cụ thể.

Thậm chí, có trường hợp mẫu mã, bao bì sản phẩm hoàn toàn giống với nhãn hiệu Gạo Ông Cua nhưng bên trong là một sản phẩm gạo bình thường, không phải được tạo ra từ giống lúa ST25.

Theo ông Bảy, một sản phẩm khi đưa ra thị trường nếu không được phép sản xuất hoặc mua bán giống lúa thì đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lần đầu tiên, Viện Lúa ĐBSCL thực hiện đấu giá để chuyển giao quyền sử dụng giống lúa nhằm minh bạch hóa việc khai thác sản xuất giống lúa. Ảnh: Kim Anh.
Lần đầu tiên, Viện Lúa ĐBSCL thực hiện đấu giá để chuyển giao quyền sử dụng giống lúa nhằm minh bạch hóa việc khai thác sản xuất giống lúa. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, theo thói quen sản xuất truyền thống của nông dân, sau khi thu hoạch lúa bà con sẽ giữ lại một phần để làm giống cho vụ sau. Điều này tiềm ẩn nguy cơ thoái hóa giống, làm giảm chất lượng sản phẩm qua từng mùa vụ.

Vấn đề đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu ở thị trường quốc tế cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Australia… có tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ rất cao. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị cạnh tranh không lành mạnh.

“Sản phẩm đi ra thị trường nước ngoài có nhiều câu chuyện. Trường hợp có 2 đơn vị cùng thực hiện đăng ký một nhãn hiệu tương tự nhau, đơn vị nộp trước sẽ được cấp bằng. Đăng ký nhãn hiệu ở nước nào thì bảo hộ ở đó. Như nhãn hiệu Gạo Ông Cua nếu đăng ký ở Việt Nam thì chỉ chống những người khác sử dụng nhãn hiệu này tại Việt Nam. Còn ở những nước khác, ai muốn dùng thì dùng”, ông Bảy cho biết.

Vì thế, việc thực thi có hiệu quả bảo hộ giống cây trồng nói chung và giống lúa nói riêng là công cụ pháp lý quan trọng trong việc kích thích hoạt động đổi mới sáng tạo. Bởi nếu giống cây trồng không được bảo hộ, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp sẽ mất động lực đầu tư vào việc phát triển giống mới, vì thành quả lao động của họ có thể bị sử dụng miễn phí.

Hiện nay các doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo ngày càng quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu gạo và quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: Kim Anh.
Hiện nay các doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo ngày càng quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu gạo và quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: Kim Anh.

Để giải quyết thách thức này, ông Bảy đề nghị nông dân và doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Tương lai, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ nằm ở việc sản xuất mà còn ở khả năng bảo vệ giá trị sản phẩm. Việc thực thi hiệu quả các biện pháp bảo hộ giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa sẽ không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn khẳng định thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu