Ông Olaf Naehrig, kỹ sư trưởng Tập đoàn KAHL: Ngành viên nén Việt Nam cần thúc đẩy mở cửa thị trường tại Châu Âu. Bởi vì đây mới là khu vực tiêu thụ nhiều viên nén nhất trên thế giới.
Tiến sỹ Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết: Tổng lượng viên nén Việt Nam xuất khẩu trong 6 tháng năm 2024 đạt 2,6 triệu tấn, với giá trị 345,5 triệu USD, chiếm 4,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ; tăng 25,9% về lượng và 4,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Hai thị trường xuất khẩu viên nén lớn nhất của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong 6 tháng năm 2024, lượng và giá trị xuất khẩu viên nén sang hai quốc gia này chiếm 92% về lượng và 89,9% về giá trị xuất khẩu viên nén của Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Phúc, Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu viên nén đứng thứ ba của Việt Nam, còn lại sản phẩm này được xuất khẩu sang một số thị trường khác như: Đài Loan (Trung Quốc), PNP… Giá viên nén xuất khẩu trung bình hàng tháng trong 6 tháng năm 2024 sụt giảm mạnh ở cả hai thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cụ thể, tại Nhật Bản, nếu như 6 tháng năm 2023 giá xuất khẩu viên nén đạt trung bình 170 USD/tấn, có những tháng ở mức 185 USD/tấn, thì trong 6 tháng năm 2024 giá trung bình xuất mặt hàng này chỉ còn 146 USD/tấn, giảm 24 USD/tấn.
Tương tự, tại thị trường Hàn Quốc, giá xuất khẩu trung bình của 6 tháng năm 2023 là 139 USD/tấn, trong khi 6 tháng đầu năm 2024 chỉ còn 104 USD/tấn, giảm 35 USD/tấn.
Để giảm phụ thuộc vào 2 thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất viên nén cần tìm hiểu, thúc đẩy tiêu thụ tại các thị trường mới như thị trường Châu Âu (EU) và thị trường nội địa.
Tiến sỹ Tô Xuân Phúc nhận định, thời gian tới, thị trường Nhật Bản vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất viên nén của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội thay thế nguồn cung viên nén của Indonesia cho thị trường Nhật Bản, bởi nguồn cung viên nén làm từ vỏ dầu cọ có nguồn gốc từ Indonesia có thể sẽ không đạt được chứng chỉ bền vững theo yêu cầu của thị trường Nhật Bản.
Ông Olaf Naehrig, kỹ sư trưởng Tập đoàn KAHL tại Việt Nam cho rằng, thị trường EU hiện đang chiếm tỷ trọng nhỏ trong số các thị trường nhập khẩu viên nén của Việt Nam, chỉ chiếm 3,3% trong tổng lượng viên nén xuất khẩu và chiếm 3,8% trong tổng kim ngạch. Trong năm 2023, thị trường EU nhập khẩu hơn 155.000 tấn viên nén của Việt Nam, đạt xấp xỉ 26 triệu USD, tăng gần gấp 3 lần về lượng và 3,7 lần về giá trị so với năm 2022, đây là tín hiệu vui của viên nén Việt Nam đối với thị trường EU.
Ông Olaf Naehrig cũng đồng tình với quan điểm, ngành viên nén Việt Nam cần thúc đẩy mở cửa thị trường tại Châu Âu. Bởi vì đây mới là khu vực tiêu thụ nhiều viên nén nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành sản xuất viên nén tại Việt Nam đang bị ngành xuất khẩu dăm gỗ cạnh tranh dữ dội về nguyên liệu. Do đó, nghiên cứu công nghệ để mở rộng nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất viên nén là vấn đề cần thiết.
Ông Nguyễn Sơn Hà, đại diện Tập đoàn KAHL tại Việt Nam thông tin, nguyên liệu chế biến viên nén tại Việt Nam chưa được bền vững về nguồn gốc và chất lượng: “Nguyên liệu sản xuất viên nén không chỉ có cây keo, mà cỏ voi, thân cây ngô hoặc bã mía cũng có thể sử dụng, tất cả những phụ phẩm nông nghiệp có thể đốt cháy đều là nguyên liệu sản xuất viên nén”.
Theo ông Hà, lợi thế của ngành sản xuất viên nén Việt Nam là có nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, phế phụ phẩm từ chế biến đồ gỗ nếu bỏ đi thì rất phí, đó là nguyên liệu tốt nhất để sản xuất viên nén. Tận dụng mạt cưa, gỗ vụn để sản xuất viên nén còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp không phải đốt tiêu hủy. Viên nén sản xuất tại Việt Nam được thị trường Nhật Bản ưa chuộng là bởi khi đốt lên không có khói, đồng nghĩa không phát thải CO2.
Chia sẻ về nguồn nguyên liệu mới để sản xuất viên nén bền vững, đại diện Tập đoàn KAHL tại Việt Nam cho biết: KAHL là đơn vị đầu tiên của thế giới sản xuất viên nén với nguyên liệu bã mía. Hiện KAHL là đơn vị duy nhất sản xuất được 10 – 12 tấn viên nén/giờ. Công nghệ càng hiện đại thì giá thành sản phẩm càng thấp, chất lượng sản phẩm càng cao mới có thể cạnh tranh trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội viên nén gỗ Việt Nam thì, để sản xuất viên nén bằng nguyên liệu từ phế phụ phẩm nông nghiệp, công nghệ sản xuất không phải thay đổi nhiều, nhưng các doanh nghiệp cần tìm nhóm khách hàng phù hợp.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu