Là địa phương có diện tích sầu riêng đứng đầu cả nước, sản lượng dồi dào, tỉnh Đắk Lắk có nhiều điều kiện thuận lợi cũng như cơ hội lớn để tăng giá trị ngành hàng, tăng kim ngạch xuất khẩu khi Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc chính thức có hiệu lực.
Cùng với sự phấn khởi, các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương trên địa bàn tỉnh đang có những bước chuẩn bị để sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh.
Tận dụng cơ hội
Thông tin sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc mang lại niềm vui, phấn khởi cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, các địa phương, nhà quản lý và ngành nông nghiệp Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Minh Công, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm cho biết, từ năm 2022, doanh nghiệp đã bóc múi, cấp đông sầu riêng với 2.000 tấn trái; năm 2023, bóc múi, cấp đông hơn 3.000 tấn trái. Hàng năm, công ty chú trọng làm hàng sầu riêng đông lạnh từ tháng 5 đến tháng 11. Để chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh, công ty đã hoạch định kế hoạch phát triển chi tiết về quy mô nhà máy, chuẩn hóa kho xưởng và quy trình vận hành, chuẩn bị nhân lực, nguồn lực tài chính, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn…
“Nghị định sẽ là đòn bẩy, mang lại sức tăng trưởng rất lớn đối với nông sản, đặc biệt là sầu riêng. Doanh nghiệp xác định sầu riêng đông lạnh sẽ là một trong những sản phẩm mũi nhọn, mang lại doanh thu lớn cho công ty. Do đó, hiện nay, doanh nghiệp tìm kiếm để chuẩn bị xây dựng nhà máy thứ hai, chuẩn hóa và chuyên nghiệp, đáp ứng quy mô sản xuất, cấp đông sầu riêng”, ông Nguyễn Minh Công nhấn mạnh.
Còn theo ông Phạm Văn Lượng, Giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng sẽ có sản lượng sầu riêng dồi dào, doanh nghiệp xác định đây sẽ là vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu.
“Hiện nay, doanh nghiệp bóc múi 50 – 100 tấn trái tươi/ngày, tương đương 20 – 30 tấn múi tươi/ngày. Để chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh, doanh nghiệp đã nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo quy trình sản xuất đáp ứng các điều kiện xuất khẩu, đồng thời chuẩn bị những hồ sơ cơ bản, chứng nhận liên quan đến an toàn thực phẩm và quản lý nguyên vật liệu đầu vào. Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật có những hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thủ tục để đăng ký xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh”, ông Phạm Văn Lượng chia sẻ thêm.
Thực tế, việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sẽ mang lại nhiều lợi thế như: Giảm chi phí vận chuyển và dịch vụ, kéo dài thời gian bảo quản, giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, kéo dài thời gian tiêu thụ sản phẩm; đồng thời giúp giám sát chất lượng tốt hơn, hạn chế vi phạm các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh còn mở ra cơ hội mang lại thu nhập cao, đầu ra ổn định cho nông dân trồng sầu riêng.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắc (huyện Krông Pắc) Trần Văn Thắng, việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh là cơ hội lớn, chưa từng có đối với ngành hàng sầu riêng nói riêng và các loại trái cây khác nói chung. Để nắm bắt cơ hội này, hợp tác xã đang hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang bị công cụ, phương tiện, duy trì nhật ký điện tử, kết nối liên lạc với thành viên và kịp thời ứng phó, xử lý khi thời tiết thay đổi nhằm đảm bảo chất lượng trái sầu riêng.
Thông tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp chế biến sầu riêng có năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản, công suất khoảng 120.000 tấn/năm tại 6 huyện, thị xã; trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Krông Pắc với 8 cơ sở. Tỉnh đã rà soát các cơ sở đủ điều kiện, tổng hợp, gửi thông tin doanh nghiệp về Cục Bảo vệ thực vật để thực hiện đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Chất lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu
Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 32.785 ha sầu riêng, tăng hơn 10.300 ha so với năm 2022; trong đó diện tích cho thu hoạch chiếm 48,35%. Sản lượng sầu riêng năm 2024 của tỉnh khoảng trên 300.000 tấn. Như vậy, trong tương lai không xa, khi diện tích sầu riêng toàn tỉnh cho thu hoạch, Đắk Lắk sẽ có sản lượng sầu riêng dồi dào để xuất khẩu trái tươi và xuất khẩu đông lạnh, đòi hỏi các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng cần tiếp tục chú trọng và đảm bảo chất lượng sầu riêng.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Minh Công, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm, dù sản phẩm sầu riêng tươi hay sầu riêng đông lạnh thì nguyên liệu phải đạt chất lượng. Do đó, doanh nghiệp, nông dân cần nâng cao kỹ thuật và liên kết 4 nhà để tìm giải pháp nâng cao chất lượng sầu riêng nguyên liệu. Việc cải thiện chất lượng để xây dựng và duy trì thương hiệu sầu riêng Việt Nam là yêu cầu bắt buộc, yêu cầu hàng đầu đối với ngành hàng hiện nay.
Tại Đắk Lắk, cần tiến hành các giải pháp để mùa vụ sầu riêng năm 2025 khắc phục được vấn đề sượng nước và ứng phó được tác động của thời tiết bất lợi nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm sầu riêng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân phải tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu, tập trung vào chất lượng sầu riêng đông lạnh để giữ uy tín và thương hiệu, thay vì chạy đua xuất khẩu theo số lượng. Các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, tỉnh sẽ nỗ lực nhiều hơn, cùng với cộng đồng doanh nghiệp và nông dân thực hiện, đảm bảo đúng các điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc trong Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc đã ký kết. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật biên soạn các tài liệu, văn bản để tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn về các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan đến Nghị định thư. Đồng thời, tỉnh có các chủ trương thu hút doanh nghiệp uy tín đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu đối với nhóm cây ăn quả chủ lực; trong đó có sầu riêng đông lạnh.
Liên quan đến xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh, theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu, Cựu giảng viên cao cấp, Trường Đại học Cần Thơ, một vấn đề cần giải quyết là vỏ trái sầu riêng. Thông thường, với một trái sầu riêng, tỷ lệ vỏ sầu riêng chiếm 50 – 60%. Như vậy, với sản lượng gần 500.000 tấn sầu riêng của vùng Tây Nguyên hiện nay, lượng vỏ chiếm khoảng 300.000 tấn. Do đó, các ngành sản xuất thực phẩm gia súc, phân hữu cơ cần nghiên cứu sử dụng vỏ sầu riêng làm nguyên liệu nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, giải quyết vấn đề rác thải và mang lại hiệu quả kinh tế.
Sầu riêng Đắk Lắk đã và đang được sản xuất rải vụ. Bên cạnh sự quan tâm, định hướng của tỉnh và ngành nông nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực thúc đẩy các dịch vụ đầu vào, xây dựng các chuỗi liên kết trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Cùng với những điều kiện thuận lợi tại chỗ, sự chủ động hiện nay của tỉnh, các địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã đang mang lại nhiều tín hiệu lạc quan, sẵn sàng chinh phục mục tiêu là địa phương xuất khẩu sầu riêng đông lạnh chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu