Sản xuất – tiêu dùng bền vững: Nhu cầu thay đổi, doanh nghiệp “chuyển mình”

Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường và bền vững… khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, để sản phẩm và dịch vụ đáp ứng được nhu tiêu dùng mới.

Sản phẩm có bao bì thân thiện môi trường đc khách hàng ưa chuộng Ảnh: Quang Định
Sản phẩm có bao bì thân thiện môi trường được khách hàng ưa chuộng Ảnh: Quang Định

Nhu cầu thay đổi

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2023. 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.

Điều này được thể hiện qua mức độ phổ biến của các sản phẩm xanh thuộc các ngành hàng khác nhau. Báo cáo của Euromonitor cho thấy thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đạt giá trị 100 triệu USD vào năm 2023, tăng trởng 20% so với năm 2020. Doanh số bán sản phẩm tẩy rửa sinh học tăng 15% trong năm 2022 so với năm 2021.

Ngành thời trang bền vững tại Việt Nam cũng thu hút hơn 1 triệu người tiêu dùng trong năm 2023. Các khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm được dán nhãn “xanh”. Theo Nielsen, 60% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào các sản phẩm này, và 55% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ môi trường.

Từ thực tế triển khai hành động thúc đẩy sản xuất – tiêu dùng bền vững tại doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông – Đối ngoại của Aeon Mail Việt Nam cho rằng, xu hướng và nhận thức của người tiêu dùng đang ngày càng tăng. Những người tiêu dùng trẻ ngày càng có nhu cầu và yêu cầu cao đối với những sn phẩm xanh và tiêu dùng xanh.

“Thái độ và nhận thức của người tiêu dùng về sản xuất và tiêu dùng bền vững đã tăng lên rõ rệt trong thời gian qua. Đơn cử như việc người tiêu dùng từ chối sử dụng túi nilon dùng 1 lần tại Aeon Mail, khi mới bắt đầu triển khai chỉ chiếm tỷ lệ 0,1% lượng túi tiêu thụ, nhưng các năm sau đều tăng gấp 2, gấp 3 và định hướng tới năm 2030, tỷ lệ người tiêu dùng từ chối sử dụng túi nilon dùng 1 lần sẽ tăng lên tới 70%”, bà Huệ tin tưởng.

Doanh nghiệp “chuyển mình”

Sản phẩm dệt may Việt Nam hàng năm xuất khẩu hàng chục tỷ USD chủ yếu vào các thị trường cao cấp với yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm xanh.
Sản phẩm dệt may Việt Nam hàng năm xuất khẩu hàng chục tỷ USD chủ yếu vào các thị trường cao cấp với yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm xanh.

Trước xu hướng chuyển đổi xanh, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh và coi tiêu dùng xanh trở thành xu hướng tất yếu của sự phát triển bền vững.

Như ở ngành dệt may, theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), sản phẩm dệt may Việt Nam hàng năm xuất khẩu hàng chục tỷ USD chủ yếu vào các thị trường cao cấp và khó tính với yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm xanh. Do đó, để có 1 sản phẩm “xanh” đúng nghĩa, khâu đầu tiên phải hướng đến việc khai thác nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Trong khi ngành dệt may phải nhập khẩu trên 70% nguyên phụ liệu từ nước ngoài, do đó yêu cầu đặt ra về nguồn gốc xanh, sạch là hết sức quan trọng và rất đáng lưu tâm đối với các DN.

“Hiệp hội Dệt may Việt Nam ý thức được vấn đề phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, ngay từ đầu năm 2018 Hiệp hội đã thành lập Ủy ban phát triển bền vững với mô hình “3 chữ P”, gồm phát triển có lãi; nguồn lực bền vững và bảo vệ môi trường. Vitas cũng đã hợp tác với các tổ chức quốc tế tổ chức các hội thảo, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và cả người lao động về vấn đề phát triển bền vững. Đồng thời, Vitas khuyến cáo các DN đây là xu hướng tất yếu, nếu phù hợp với khả năng và nguồn lực của DN có thể triển khai làm sớm, từ đó tăng thêm cơ hội khai thác những thị trường đẳng cấp, khó tính từ đó mở rộng thêm thị trường”, ông Cẩm đề cập.

Hay, tại Công ty Aeon Việt Nam, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc nhân sự, truyền thông và đối ngoại, cho biết để khuyến khích khách hàng sử dụng túi bảo vệ môi trường, Aeon Việt Nam đã triển khai dịch vụ cho khách hàng mượn túi môi trường khi mua sắm với giá chỉ 5.000 đồng/túi.

Theo bà Huệ, điều này giúp khách hàng không phải bỏ ra chi phí quá lớn để mua túi bảo vệ môi trường. Hơn nữa, việc cho thuê túi sẽ góp phần giúp người dân “ghi nhớ” việc mang túi khi đi mua sắm, chi phí thuê túi sẽ được Aeon hoàn trả lại khi khách hàng mang túi trả tại quầy. Cùng với đó, Aeon cũng tặng 1.000 đồng trên mỗi hóa đơn “xanh” cho khách hàng và đưa vào áp dụng quầy thanh toán ưu tiên cho những khách hàng hưởng ứng thói quen mua sắm và tiêu dùng bền vững. Bà Huệ cho biết, từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2023, Aeon Việt Nam ghi nhận giảm đến hơn 11 triệu túi phân hủy sinh học (tương đương hơn 3,6 triệu giao dịch) trên toàn hệ thống.

TimTay là thương hiệu thời trang thiết kế “thuần Việt” theo đuổi phong cách sống bền vững và thân thiện với môi trường được sáng lập bởi hai chị em Hoàng Tú và Hoàng Anh. “Tim” là trái tim, “tay” là bàn tay – hàm ý thể hiện những thiết kế làm ra đều xuất phát từ tâm, từ những đôi bàn tay yêu thích thủ công.

Trong suốt gần 10 năm phát triển, TimTay vẫn luôn kiên trì theo đuổi phong cách sống bền vững và thân thiện với môi trường từ việc sử dụng các chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên như tơ tằm nguyên chất, sợi bông, sợi lanh… để góp phần giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường và đem lại cảm giác thoải mái cho người mặc. Trong quá trình sản xuất, các nguyên liệu thừa, vải thừa luôn được giữ lại để tái sử dụng và tái chế thành các sản phẩm khác. Nhờ vậy, TimTay vẫn luôn là một trong những thương hiệu thời trang bền vững ở Việt Nam được đông đảo khách hàng yêu thích và tin cậy.

Theo đánh giá của ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, sản xuất, tiêu dùng bền vững có ý nghĩa và vị trí đặc biệt quan trọng, trong tiến trình phát triển bền vững không chỉ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, tiến bộ trong việc ban hành chính sách, pháp luật cũng như trong tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức ở phía trước, làm sao sớm đưa các chính sách, pháp luật đi vào thực tiễn.

Việt Nam đang dần chuyển hướng sang các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện hơn với môi trường, ít gây ô nhiễm. Điều này được thể hiện qua việc áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn, tái chế, tái sử dụng nguyên liệu, giảm thiểu chất thải. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nâng cao cam kết và hành động về phát triển bền vững, như sử dụng nguyên liệu tái chế, thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý môi trường.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu