Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, đơn hàng của họ đã bắt đầu ổn định, thậm chí có đơn hàng đến hết cuối năm 2024.
Dệt may có nhiều khởi sắc
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thông tin, đơn hàng bắt đầu ổn định, có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 10 và 11/2024. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn về cuối năm với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay.
Lý do dệt may Việt Nam có sự khởi sắc là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua VITAS để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Không những vậy, thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may cũng đã chủ động đa dạng hoá thị trường và khách hàng.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 – mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.
Theo dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng từ 8 – 10% so với năm 2023. Riêng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, đặc biệt là ngành sợi, 6 tháng cuối năm kết quả sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn kỳ vọng.
Cũng theo ông Vũ Đức Giang, xuất khẩu dệt may đang quay lại đà phục hồi, các doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến hết quý III và cuối năm 2024. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mới do khách hàng có thay đổi yêu cầu, thường đặt đơn hàng nhỏ, số lượng ít, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn. Người tiêu dùng có xu hướng mua hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, nhu cầu sản phẩm đa dạng hơn.
Đặc biệt, các thị trường như EU, Mỹ, yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững từ nguyên liệu, lao động, thiết bị đến năng lượng, vận chuyển đều được luật hoá và triển khai đồng bộ.
Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam cũng chịu áp lực ngày càng lớn về lực lượng lao động. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành này đang thiếu khoảng 500.000 lao động; trong đó, tập trung vào lao động có tay nghề, lao động cấp trung, quản lý, thiết kế sản phẩm.
Để tham gia vào chuỗi cung ứng, VITAS khuyến cáo, các doanh nghiệp dệt may phải thay đổi chiến lược sản xuất thông qua cải tiến quy trình, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, ứng dựng tự động, xanh hoá các khâu sản xuất nhằm nâng cao cht lượng, công suất sản xuất, linh hoạt đáp ứng các đơn hàng nhỏ, đa dạng sản phẩm.
Bên cạnh việc cắt giảm chi phí và thời gian sản xuất, doanh nghiệp dệt may cũng cần chú trọng đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn và đa dạng hóa thị trường.
Xuất khẩu rau quả dự báo tiếp tục lập đỉnh mới
Cuối tháng 5/2024, hai tấn vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam đã cập cảng hàng không sân bay Charles de Gaule ở thủ đô Paris (Pháp). Đây là những lô vải đầu tiên của vụ mùa 2024 đạt tiêu chuẩn GlobalGap được xuất từ Thanh Hà (Hải Dương) đi châu Âu bằng đường hàng không.
Trước đó, lô vải u trứng trắng đầu tiên trong mùa vải 2024 của huyện Thanh Hà cũng được lên kệ siêu thị Australia. Mỗi kg vải được niêm yết với giá 34,99 AUD/kg (tương đương 594.000 đồng). Đây là mức giá rất cao gấp 4 lần so vải u trứng trắng bán tại Việt Nam và tăng khoảng 15-20% so cùng kỳ năm ngoái.
Tín hiệu vui của trái vải đã mở đầu cho mùa vải thiều năm 2024 dự báo sẽ hanh thông, thuận lợi, kéo dài thành tích của xuất khẩu trái cây nói chung. Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so cùng kỳ năm 2023. Riêng xuất khẩu rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng đến 28,1% so cùng kỳ.
Tiếp đà tăng của xuất khẩu rau quả năm trước, 5 tháng đầu năm nay, các thị trường chủ lực của rau quả Việt tiếp tục tăng tốc độ cao. Trong đó đứng đầu là Trung Quốc với hơn 1 tỷ USD, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản…
Đóng góp lớn vào kim ngạch rau quả vẫn là mặt hàng sầu riêng. Riêng trong năm ngoái, loại quả này đóng góp hơn 2,2 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu toàn ngành hơn 5,6 tỷ USD.
Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc nhưng đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng. Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam bắt đầu tăng mạnh khi hai nước ký nghị định thư vào tháng 7/2022. Sau đó liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong những tháng vừa qua. Cùng với sầu riêng tươi, sầu riêng đông lnh cũng được thị trường này cho phép nhập khẩu chính ngạch.
Bên cạnh sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh, các sản phẩm từ sầu riêng cũng được nhiều thị trường nhập khẩu ưa chuộng. Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam chia sẻ, qua khảo sát thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các dòng sản phẩm sầu riêng chế biến. Đây là lợi thế cho rau quả Việt Nam sản xuất thêm dòng sản phẩm giá trị gia tăng từ sầu riêng, cũng là hướng đi Công ty Ameii định hình để phát triển trong năm nay về ngành rau quả.
Bên cạnh đó, trái dưa hấu Việt Nam có thêm tin vui từ Nghị định thư chấp nhận nhập khẩu của thị trường Trung Quốc. Khi Nghị định thư mở ra, xuất khẩu dưa hấu có thể tăng gấp đôi, đạt 100 triệu USD vào năm 2024. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu sẽ nhanh chóng hơn nhiều, giúp doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi hơn.
Ngoài ra, trái dừa cũng đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả khả quan hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, chủ một DN xuất khẩu trái cây tại TP.HCM, cho biết thời điểm chính vụ của sầu riêng tại Thái Lan và Malaysia là từ tháng 4 đến tháng 7, nên thời điểm này cuối mùa, không có nhiều sản lượng để cạnh tranh với hàng Việt. Trung Quốc tập trung nhập từ Việt Nam dẫn đến giá sầu riêng tăng cao.
“Sang tháng 8 và 9, khu vực Tây Nguyên vào vụ thu hoạch sầu riêng, giá loại 1 có thể tăng lên 95.000 – 100.000 đồng/kg. Sản lượng sầu riêng khu vực Tây Nguyên chiếm phân nửa cả nước, nên giá bán tăng cao đồng nghĩa giá trị xuất khẩu của mặt hàng này sẽ rất tốt”, ông Đạt nhận định.
Ông Đặng Phúc Nguyên – tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho hay ước tính sáu tháng đầu năm Việt Nam xuất được khoảng 1,5 tỉ USD sầu riêng. Với đà tăng giá này, sáu tháng còn lại có thể đạt thêm 1,8 – 2 tỉ USD. “Nếu thuận lợi, giá trị xuất khẩu sầu riêng cả năm nay có thể đạt 3,5 tỉ USD, tăng mạnh so với mức hơn 2,3 tỉ USD của năm 2023”, ông Nguyên ni.
Trong khi đó, giá giao dịch nhiều mặt hàng nông sản khác hiện cũng ở mức tốt. Giá cà phê nhân nhiều tháng qua neo ở mức khá cao với dao động 115.000 – 127.000 đồng/kg tùy loại, mức cao lịch sử trong ngành hàng này, và tăng gấp 2 – 3 lần so với mức phổ biến của năm ngoái.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu