Biện pháp phòng trừ nhện gié gây hại trên cây lúa vụ mùa năm 2023

Thời điểm nhện gié có mật độ cao nhất thường trùng với giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh – phân hóa đòng – trỗ – chín. Đây là nguyên nhân làm giảm năng suất, tỉ lệ gạo thương phẩm và chất lượng gạo.

Đặc điểm hình thái của nhện gié

Nhện gié có tên khoa học là Steneotarsonemus spinki thuộc lớp nhện.

Nhện gié hại lúa có kích thước rất nhỏ, có 3 pha phát dục: trứng – nhện non  – trưởng thành. Trứng có màu trắng trong, hình trái xoan, đẻ rải rác từng quả hoặc thường dính lại với nhau thành từng đám 5 – 10 quả. Nhện non có màu trắng đục với 3 đôi chân. Trưởng thành có màu trắng đục hơi vàng, có 4 đôi chân, rất khó quan sát bằng mắt thường. Nhện gié sinh sản đơn tính không cần thụ tinh (không có con đực), trứng nở ra con đực. Sinh sản hữu tính, có thụ tinh (có con đực), trứng nở ra con cái. Nhện cái có thể đẻ 55 trứng trong suốt đời sống của nó.

Đặc điểm gây hại

Nhện gié gây hại ở tất cả các bộ phận trên cây lúa như: gân lá, thân lúa, bẹ lá, bông và hạt; phát sinh gây hại nhiều trong điều kiện nắng nóng, khô hanh, ít mưa; gây hại nặng trên diện tích lúa thường xuyên bị khô hạn, thiếu nước; chúng gây hại cho lúa bằng cách chích hút nhựa cây để lại nhiều sọc dài màu nâu tím bên ngoài bẹ lá; trên các giống lúa khác nhau thì mức độ gây hại và mật độ nhện cũng khác nhau.

Nhện gié cư trú và gây hại trên gân chính của lá lúa, vết hại ban đầu thường có hình chữ nhật rõ nét “giống như vết cạo gió”, màu nâu, sau dần có màu nâu thẫm đến màu nâu đen, chiều dài vết bệnh từ 2 – 15 cm. Gân lá bị hại nặng có thể làm cho lá bị gãy gập xuống tại nơi nhện gié chích hút gây hại.

Nhện gié đục lỗ và chui vào bên trong của khoang bẹ lá lúa để sinh sống và gây hại. Khi quần thể tăng, chúng đục sang các khoang kế tiếp, vì khoang của mô bẹ có hình chữ nhật, nên vết nhện hại biểu hiện ra bên ngoài thường có hình chữ nhật tương đối đặc trưng. Vết hại cứ to dần lên, khi bị nặng hình chữ nhật của vết hại không còn điển hình nữa, độ dài ban đầu của vết hại chỉ 0,5 – 0,8 cm, sau lan ra toàn bẹ lá. Màu sắc vết hại từ màu nâu vàng chuyển sang màu nâu thẫm, cuối cùng chuyển sang màu nâu đen khác với triệu chứng bệnh thối bẹ (vết bệnh thường ít và thối nhũn còn do nhện thường khô).

Nhện gié gây hại ngay khi bông lúa còn nằm trong bẹ lá đòng, nhện gié hại nặng làm cho bông lúa khó trỗ thoát, nếu có trỗ thoát thì hình dạng bông lúa bị vặn vẹo, hạt lúa bị đen lép, tỉ lệ hạt lép cao, hình dạng méo mó, vỏ trấu có màu nâu đen.

Nhện gié phát triển thích hợp trong điều kiện thời tiết nóng và khô. Ngoài ra, theo các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học sự bộc phát của nhện gié có liên quan đến việc nông dân sử dụng nhiều thuốc trừ sâu ở đầu vụ làm giảm mật độ thiên địch trên đồng ruộng, gieo cấy, sạ dày, bón thừa đạm.

Biện pháp phòng trừ nhện gié trên cây lúa vụ mùa 2023

Biện pháp canh tác:

Sau khi thu hoạch lúa, rải rơm đốt đồng trước khi làm đất nếu là vùng thường xuyên có nhện gié xuất hiện; cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc diệt sạch cỏ bờ, lúa chét; bón phân cân đối đạm – lân – kali; bảo vệ thiên địch trong ruộng lúa, một số loại nhện và ong nội ký sinh có khả năng kiềm chế mật số nhện gié; cung cấp đủ nước cho ruộng lúa vì nhện gié phát sinh gây hại nặng trong điều kiện ruộng khô hạn.

Biện pháp hóa học:

Thường xuyên thăm đồng ruộng, điều tra, phát hiện, theo dõi diễn biến gây hại của nhện gié, nhất là giai đoạn cuối đẻ nhánh – đứng cái – đòng – trỗ – chín, thời kỳ lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh, nếu thấy 5% số dảnh bị hại có vết thâm cạo gió hình chữ nhật, chạy dọc bẹ lá lúa, trên gân lá lúa, thì cần phải tiến hành phun phòng ngay. Đồng thời, vào thời kỳ trước trỗ 5 – 7 ngày thấy 3 – 5% số dảnh bị hại thì cần phun trừ bằng bộ thuốc hóa học, sử dụng ngay thuốc bảo vệ thực vật đặc trị nhện gié nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam có chứa các hoạt chất: quinalphos, propargite, fenpropathrin, fenitrothion, hexythiazox, fenpyroximate,… có trong một số tên thương phẩm: Kinalux 25EC, Comite 73EC, Kinagold 23EC, Ortus 5SC, Danitol-S 50EC,…

Lưu ý: nếu gặp điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn, trên những chân ruộng thường xuyên bị thiếu nước, khô hạn nhện gié sẽ phát sinh gây hại nặng; khi ruộng lúa bị gây hại nặng, nhất thiết cần phun nhắc lại lần 2 sau lần 1 từ 5 – 7 ngày và luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun, cần phun ướt đẫm lá và thân; phun vào lúc chiều tối, tránh ảnh hưởng đến quá trình phơi màu của lúa; đối với khu vực vụ trước đã bị nhện gié gây hại, cần phun thuốc trừ nhện xung quang bờ ruộng nơi nhện vẫn còn lưu trú trên cỏ dại, lúa chét; sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc, đúng cách) và thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đúng nơi quy định.