Chanh tươi Quảng Đông 100.000 đồng/kg vẫn đắt hàng, Tây Ninh có gần 62.000 ha khoai mì

Chanh tươi Quảng Đông (Trung Quốc) bỗng lên “cơn sốt”, rất đắt hàng. Năm 2023 ghi nhận toàn tỉnh Tây Ninh có gần 62.000 ha khoai mì, tăng khoảng 1.000 ha so với năm 2017. Cây chè Shan tuyết khoảng 500 tuổi của nhà ông Nguyễn Quang Hoàng được khách trả 6 tỷ đồng nhưng chủ nhân vẫn không bán.

Chanh tươi Quảng Đông lên “cơn sốt”

Từ một loại chanh khá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam, nay chanh tươi Quảng Đông (Trung Quốc) bỗng lên “cơn sốt”, rất đắt hàng, dù giá cao gấp 3 – 4 lần chanh của Việt Nam.

Loại chanh này đang nổi “rần rần” vì độ thơm ngon. Đặc biệt, đây là nguyên liệu chính để làm nên món trà chanh giã tay – đồ uống “hot trend”, được đông đảo các bạn trẻ săn lùng, tìm mua.

Chanh tươi Quảng Đông còn được biết với tên gọi khác là chanh xanh thơm Quảng Đông, hay chanh nước hoa Quảng Đông. Đây là một giống chanh được trồng rất nhiều tại thành phố Quảng Đông (Trung Quốc).

Chanh tươi Quảng Đông có kích thước lớn hơn chanh ta, hình bầu dục, nhọn ở 2 đầu. Vỏ chanh dày, màu xanh đậm, có hương thơm đặc trưng, thoang thoảng hương sả và hương bưởi.

Loại chanh này có vị chua thanh, dịu nhẹ, không gắt như chanh ta. Tép chanh bên trong nhiều nước và đặc biệt chúng không có hạt. Vị chua của chanh kết hợp với hương thơm quyến rũ tạo nên một hương vị vô cùng hấp dẫn.

Chanh tươi Quảng Đông thường được sử dụng để làm thức uống như trà chanh, nước chanh tươi, sinh tố,…

Không những vậy, chanh tươi Quảng Đông còn là một loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Trên thị trường, chanh tươi Quảng Đông có giá từ 50.000 – 100.000 đồng/kg tùy thời điểm, cao gấp 3 – 4 lần chanh thông thường. Tuy nhiên, chanh tươi Quảng Đông nhập về bao nhiêu cũng được các đầu mối mua hết đến đó.

Tây Ninh đứng đầu cả nước về diện tích khoai mì

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tây Ninh, năm 2023 ghi nhận toàn tỉnh có gần 62.000ha khoai mì, tăng khoảng 1.000ha so với năm 2017.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, cho biết từ những giống có được, địa phương đang tập trung đẩy mạnh nhân giống. Hiện tổng diện tích các giống mới khoảng 2.000ha, diện tích giống khoai mì kháng bệnh khảm lá ở Tây Ninh có thể tăng lên 10.000ha vào niên vụ 2023 – 2024.

Là một trong ba loại cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, nếu hộ dân thâm canh khoai mì có bài bản, đầu tư đúng mức, áp dụng các biên pháp tưới thì lợi nhuận thu về có thể lên đến 40 – 50 triệu đồng/ha.

Cụ chè Shan tuyết 500 tuổi được trả 6 tỷ đồng, chủ nhân vẫn không bán

Cây chè này mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ. Ảnh Hoàng Bách
Cây chè này mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ. Ảnh Hoàng Bách.

Người dân huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, trong những cây chè cổ nơi đây, cây chè Shan tuyết số 003 khoảng 500 tuổi của nhà ông Nguyễn Quang Hoàng (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái) là đẹp nhất vùng. Cây có tán rộng, mọc đều. Có người trả hơn 6 tỷ đồng nhưng chủ nhân không giao dịch mua bán.

Ông Sổng A Páo – người chăm sóc đặc biệt cho cây chè Shan tuyết 500 tuổi cho hay, sản phẩm từ cây chè cổ thụ này có giá khoảng 2,5 triệu đồng/kg đối với bạch trà. Thấp nhất là loại trà mạn thông thường, giá 350.000 đồng/kg.

Theo ông Páo, cây chè này mỗi năm cho thu hoạch 3 lần, sản lượng 10 kg chè tươi mỗi lần. Cứ đến kỳ thu hoạch, ông Páo lại bắc giàn giáo xung quanh để hái, tránh ảnh hưởng đến tán cây.

Diện tích chè Shan tuyết ở Suối Giàng là 393 ha, trong đó chè cổ thụ trên 300 năm tuổi là 293 ha, còn 100 ha do người dân nơi đây trồng mới.