Doanh nghiệp, người tiêu dùng lo ngại hàng hoá leo thang nếu biến động tỷ giá kéo dài

Từ đầu năm đến nay, câu chuyện tỷ giá “nóng” trở lại. Trong tuần đầu tháng 3/2024, diễn biến trên thị trường tự do lại “căng” hơn khi tỷ giá USD/VND ở vùng giá cao nhất lịch sử, có thời điểm vượt ngưỡng 25.700 đồng/USD, phá vỡ kỷ lục từng ghi nhận vào tháng 11/2022.

1
Không khí sản xuất tại May 10.

Lý do tỷ giá trên thị trường tự do cao nhất lịch sử

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), lý do đồng USD tăng giá là bởi các Ngân hàng Trung ương châu Âu chưa chịu giảm lãi suất và có thể còn duy trì ở mức cao.

Lý do thứ hai khiến giá USD tăng mạnh trong thời gian qua cũng liên quan đến giá vàng. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, vài năm gần đây, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu/năm. Trong khi tổng lượng vàng khai thác trong nước chỉ đạt 2-3 tấn/năm. Như vậy gần như toàn bộ lượng vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh đến từ nhiều nguồn, nhưng phần lớn đến từ con đường không chính ngạch, trong đó có cả nhập lậu. Với số vàng tiêu thụ 50-60 tấn/năm, số USD phải bỏ ra để mua lên tới hàng tỷ USD/năm, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Đặc biệt, trong thời gian qua, giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới từ 13-20 triệu đồng/lượng. Đây là lỗ hổng lớn cho buôn lậu và khiến giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh mẽ.

Một nguyên nhân khác khiến giá USD tăng là 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi nhập khẩu tăng, nhu cầu USD để thanh toán các đơn hàng cho nước ngoài tăng nên giá USD tăng. Khi nhu cầu USD tăng lại gây áp lực lên giá vàng.

Nguyên nhân cuối cùng có thể một phần do lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã xuống chạm ngưỡng bẫy thanh khoản. Khi lãi suất tiền gửi chạm ngưỡng bẫy thanh khoản thì người dân có hiện tượng rút tiền gửi những chỗ khác. Mà những chỗ khác chính là vàng và ngoại tệ. Còn một phần tiền sẽ đổ vào bất động sản hay chứng khoán.

Doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng gặp khó

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho hay, tỷ giá USD/VND tăng sẽ giúp doanh nghiệp tăng giá trị thu được khi xuất khẩu, nhưng ngược lại, doanh nghiệp cũng phải trả nhiều tiền hơn để nhập khẩu thiết bị, máy móc hay nguyên liệu sản xuất…

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam, biến động tỷ giá đầu năm nay là vấn đề đã được nhiều chuyên gia dự báo. Đồng USD tăng giá, các doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều hoặc vay nợ bằng USD sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi phải chịu chi phí tăng thêm. Song ông Kết cho rằng, tiền đồng mất giá 2-3% trong thời gian qua với các giao dịch chính thức là không đáng kể và nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp.

“Chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để phục vụ sản xuất, việc tỷ giá biến động là có ảnh hưởng nhưng chỉ trong ngắn hạn. Dẫu vậy, nếu những biến động này không giảm về cuối năm hoặc tiếp tục tăng cao thì sẽ là chuyện khác. Doanh nghiệp có thể giảm lợi nhuận vì mua nguyên liệu, máy móc, nếu tỷ giá vẫn ở mức cao”, ông Kết nói.

Theo các chuyên gia, về nguyên tắc, tỷ giá biến động như vừa qua sẽ làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu giao dịch bằng USD; còn các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi vì doanh thu đổi ra VND được tăng lên.

Tuy vậy, nếu câu chuyện tỷ giá tiếp tục được giữ nguyên hoặc neo cao, doanh nghiệp sẽ chịu tác động mạnh hơn. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, thời gian tới nếu tiền VND tiếp tục giảm giá so với đồng USD thì không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát .

Bởi theo cán cân thương mại hiện nay, phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Những yếu tố này về lâu dài có thể sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hơn một tháng nay, chị Oanh, tín đồ chuyên mua mỹ phẩm, thực phẩm xách tay, khá sửng sốt khi mỗi món hàng đều phải trả giá cao hơn trước. “Chai nước hoa 100 ml trên website là 134 USD, năm ngoái phải trả hơn 3 triệu đồng, nhưng nay đơn vị xách tay đòi gần 3,5 triệu đồng để bù đắp chênh lệch giá USD”, chị kể.

Tương tự, chị Lan Anh ở quận Gò Vấp cho biết vừa tốn thêm hàng triệu đồng khi mua một chiếc điện thoại xách tay. Với món đồ điện tử, cứ 100 USD, người bán sẽ tính thêm 100.000 đồng. “Chiếc iPhone có giá 1.000 USD, tôi phải trả thêm gần 1 triệu”, chị Lan Anh nói.

Nhìn chung, với người tiêu dùng, USD tăng giá, nghĩa là họ phải trả nhiều hơn cho những mặt hàng nhập khẩu hay những chuyến du lịch nước ngoài. Đặc biệt, những gia đình có con du học cũng phải gánh thêm chi phí khi chênh lệch USD – VND tăng cao.

2
Các tín đồ dùng hàng xách tay cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Linh hoạt ứng phó

Theo ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), để tránh những tác động liên quan đến tỷ giá biến động mạnh, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải làm tốt hơn công tác dự báo cũng như tham gia vào các công cụ về phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Nếu doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sử dụng các công cụ tài chính phái sinh, đồng thời sàng lọc thị trường và đa dạng hóa đồng tiền thanh toán thì sẽ có nhiều cơ hội giảm thiểu rủi ro, thậm chí hưởng lợi từ chênh lệch giá các đồng tiền.

Còn theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, với tiềm lực dự trữ ngoại hối và quan hệ cung cầu tiền tệ tích cực như hiện nay, NHNN có đủ công cụ can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá. Do đó sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy vậy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Ðặc biệt, các doanh nghiệp nên chú trọng hơn công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính tiền tệ, tỷ giá và lãi suất.

“Ðể có sự chuẩn bị tốt nhất, các doanh nghiệp cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón nhận cũng như ứng phó trước các thuận lợi, thách thức; nâng cao khả năng chống chịu đối với cú sốc bên ngoài thông qua nâng cao năng lực quản trị, vốn, cấu trúc vốn và đòn bẩy tài chính; chủ động tìm hiểu và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính…”, ông Lực khuyến nghị.

Chia sẻ về phương hướng điều hành tỷ giá trong năm nay, có thể nhận ra yếu tố “ổn định tỷ giá” vẫn là mục tiêu trong tuyên bố của cơ quan điều hành … “Điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, NHNN khẳng định.

Tại Hội nghị của ngành chứng khoán được tổ chức mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: “NHNN sẽ duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá hối đoái sẽ góp phần làm cho các chính sách thu hút nguồn vốn từ nước ngoài đạt được hiệu quả cao hơn; giúp tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường kinh doanh ổn định; tạo ra các bước đệm về sau trong việc thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư và phát triển thị trường chứng khoán trong tương lai”.