Đưa hơn 20 tấn mận hậu vào hệ thống phân phối của Sài Gòn Co.op

Ngày 19/5, tại huyện Mộc Châu, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức khởi hành đưa hơn 20 tấn mận hậu Mộc Châu vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op trên toàn quốc.

1
Đưa hơn 20 tấn mận hậu vào hệ thống phân phối của Sài Gòn Co.op.

Tỉnh Sơn La có 12.400ha mận hậu, nhãn hiệu “Mận Sơn La” đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2021, với một số sản phẩm chất lượng cao, như: Mận Pu Nhi, huyện Sông Mã; mận Ruby, huyện Mộc Châu và mận Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Năm 2023, mận hậu Ruby Sơn La được đưa lên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Mận hậu Sơn La đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, được trồng theo quy trình VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ, không có mầm bệnh, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, được chiếu xạ chống ký sinh trùng, có chứng chỉ an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền và có nguồn gốc xuất xứ.Ngoài việc tiêu thụ sản phẩm quả tươi, sản phẩm mận Sơn La còn được các doanh nghiệp thu mua và chế biến thành các sản phẩm khác như: mứt mận, mận hậu sấy dẻo, sấy khô, siro mận hậu…

Trong những năm qua, với sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chủ động của doanh nghiệp và sự nỗ lực của các hộ dân cùng nhiều giải pháp tích cực, hoạt động sản xuất nông sản tỉnh Sơn La đạt được nhiều kết quả nổi bật, có thêm những bước tiến mới.

Ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op thông tin, dự kiến công ty sẽ thực hiện 1 tuần lễ mận Sơn La từ 21-27/5, trong tuần này dự kiến sẽ tiêu thụ từ 100 – 200 tấn mận đưa vào hệ thống từ Bắc đến Nam. Hiện Saigon Co.op đã chuẩn bị xong về phương tiện vận chuyển, logictics, kho bãi, phục vụ cho hệ thống siêu thị…

Không chỉ mận hậu, mà nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các đối tác chế biến, phân phối tiêu thụ, xuất khẩu và người tiêu dùng trong, ngoài nước; hoạt động sản xuất nông sản tỉnh Sơn La có thêm những bước tiến mới. Đó là kết quả của sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chủ động của doanh nghiệp và sự nỗ lực của các hộ dân cùng nhiều giải pháp tích cực.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức sản xuất đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn của quốc tế và trong nước. Bên cạnh đó, Sơn La cũng tạo những vùng sản xuất mận đặc trưng như Yên Châu, Mộc Châu kết hợp với tăng cường quảng bá, tổ chức nhiều cuộc xúc tiến tiêu thụ. Nhiều năm qua, các hệ thống siêu thị đã đồng hành với Sơn La giới thiệu và đưa sản phẩm mận cùng nhiều nông sản khác tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước và quốc tế.

2
Dự kiến sản lượng mận hậu của tỉnh Sơn La trong năm 2024 ước đạt 78.200 tấn.

Các sản phẩm nông sản của Sơn La đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước, với 17 sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La xuất khẩu sang thị trường 21 nước.

Hiện, Sơn La có hơn 82.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra; sản lượng nông sản của tỉnh năm 2024 dự ước khoảng 2,5 triệu tấn; trong đó sản phẩm trái cây dự kiến trên 378.500 tấn, bắt đầu thu hoạch tập trung từ tháng 4/2024.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La, tổng sản lượng trái cây đã thu hoạch trong quý I/2024 ước đạt 22.837 tấn sản phẩm. Trong đó, sản lượng dâu tây niên vụ 2023 – 2024 ước đạt 7.308 tấn, chuối dự kiến đạt 62.000 tấn, xoài dự kiến đạt trên 77.700 tấn, nhãn dự kiến đạt 81.000 tấn và sản lượng mận hậu ước đạt 78.200 tấn.

Việc đưa quả mận hậu vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op trên toàn quốc là kênh rất quan trọng để sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng, nâng cao giá trị, định vị thương hiệu mận hậu Sơn La.