Gỡ khó để thủy sản phát triển

Tìm giải pháp hiện thực hóa và thúc đẩy chủ trương khai thác bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản là mục tiêu mà hội thảo “Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Báo Tuổi Trẻ và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức gần đây. Trong đó, các vấn đề phát triển nuôi trồng như quy hoạch vùng nuôi, bảo đảm nguồn nước, cải thiện chất lượng con giống cùng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản… được đặc biệt quan tâm.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại trang trại nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta.

Tăng tỷ trọng xuất khẩu

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 8,5 tỉ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. VASEP dự báo đến hết tháng 11-2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD mà Bộ NN&PTNT đề ra. Ðiều đó cho thấy thời gian qua, ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, nhất là ở khu vực ÐBSCL. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có hơn 830 nhà máy chế biến thủy sản đạt quy mô công nghiệp và trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của thế giới. Trong 3 năm qua, thủy sản luôn đứng trong tốp 10 ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…

Các tỉnh ven biển ÐBSCL là những địa phương có diện tích nuôi thủy sản khá lớn, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, góp phần phát triển nuôi trồng và xuất khẩu ngành hàng thủy sản. Ðiển hình tại tỉnh Sóc Trăng, trang trại nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (huyện Vĩnh Châu) phát triển với quy mô lớn, có tổng diện tích ao nuôi trên 270ha, sản lượng tôm nuôi (tôm thẻ chân trắng) từ 6.000-8.000 tấn/năm. Quá trình nuôi tại trang trại đạt các tiêu chuẩn ASC, BAP… Từ đầu năm đến nay, trang trại đã thu hoạch 2 đợt tôm nuôi, trong đó đợt 1 thu hoạch với sản lượng 3.600 tấn, đợt 2 thu hoạch được 1.500 tấn và số lượng tôm trong các ao nuôi vẫn tiếp tục thu hoạch trong những tháng cuối năm. Ông Hoàng Thanh Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, cho biết: “Trang trại nuôi tôm chỉ sử dụng quạt tạo oxy kết hợp dùng hệ thống chống chim trong ao nuôi tôm. Ðặc biệt, trang trại không áp dụng lưới lan, không xiphông đáy ao và không sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm. Dự kiến, thời gian tới trang trại sẽ tăng diện tích nuôi để sản lượng tôm nuôi hằng năm lên đến 10.000 tấn…”.

Theo VASEP, hằng năm cả nước có khoảng 600.000ha diện tích nuôi tôm sú và khoảng 150.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong đó, sản lượng tôm sú thu hoạch khoảng 250.000 tấn, tôm thẻ chân trắng thu hoạch khoảng 700.000 tấn. Tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh ở vùng ÐBSCL và đóng góp rất quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Tuy nhiên, diện tích tôm thẻ chân trắng được nuôi ở quy mô trang trại chỉ chiếm khoảng 15.000ha, khoảng 10% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của Việt Nam. Ðây là vấn đề cần được quan tâm và phát triển mô hình nuôi theo trang trại thời gian tới…

Quy hoạch vùng nuôi

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ðáng chú ý là vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước dẫn đến nhiều dịch bệnh; chất lượng, nguồn gốc con giống chưa đảm bảo; thức ăn thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu; các chế phẩm sinh học thủy sản, phương thức nuôi, quy trình nuôi chưa đồng nhất; hạ tầng, cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng còn lạc hậu… Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay của ngành thủy sản Việt Nam là tăng cường quản lý chặt chẽ theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản để cải thiện chuỗi giá trị, đồng thời chuyển từ khai thác tự nhiên sang nuôi trồng…

Ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết: Trong chiến lược quy hoạch phát triển thủy sản sắp tới cần gia tăng diện tích nuôi theo quy mô trang trại, nhằm tạo nguồn hàng ổn định, chủ động được về chất lượng, nhất là có giá thành cạnh tranh tốt để tạo “đòn bẩy” cho ngành tôm, thủy sản phát triển. Bên cạnh đó cần chuyển đổi hợp lý diện tích nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng, bởi thế giới có nhu cầu tôm thẻ và công nghệ nuôi cũng đã đáp ứng. Trong chiến lược quy hoạch của các địa phương cần nghiên cứu để quy hoạch các vùng nuôi tôm như tôm rừng, tôm lúa phải đi kèm chứng nhận bền vững, thể hiện được tính đặc thù vùng nuôi. “Chúng tôi mong Bộ NN&PTNT đặt vấn đề với Tổ chức chứng nhận ASC, đưa ra tiêu chuẩn đặc thù cho vùng tôm lúa Việt Nam, vì đây là mô hình độc đáo, mang yếu tố tạo ra nguồn sản phẩm khác biệt so với các sản phẩm nuôi công nghiệp khác…”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Bên cạnh những lợi thế và tiềm năng, ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức lớn của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Do đó, thời gian tới cần phải cấu trúc lại ngành thủy sản nói chung theo hướng giảm và chuẩn hóa đánh bắt, quy trình khai thác biển và tăng nuôi trồng. Tài nguyên biển lớn, nhưng không phải vô tận, cho nên giữa một tài nguyên hữu hạn và nhu cầu ngày càng lớn thì để quy hoạch không xảy ra tình trạng chồng lấn, cạnh tranh, tạo ra những bất ổn, đòi hỏi phải có sự hợp tác, liên kết giữa các chủ thể ngành hàng và chính quyền địa phương”.

Ðể phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững thời gian tới, một trong những nhiệm vụ cần quan tâm là kiểm soát tốt hơn các cơ sở sản xuất, cung ứng con giống; chú trọng quy hoạch và định kỳ rà soát quy hoạch đã có, trên nền tảng đó quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đầu tư thủy lợi; quản lý sử dụng đất cho nuôi trồng thủy sản bảo đảm nguyên tắc lâu dài, bảo tồn hệ sinh thái, hạn chế được các tác động xâm hại môi trường nước; khuyến khích phát triển vùng nuôi kết hợp cung cấp cho xuất khẩu và thị trường nội địa; gia tăng diện tích nuôi tôm quy mô trang trại; quy hoạch các vùng nuôi tôm rừng, tôm lúa đi kèm chứng nhận bền vững thể hiện tính đặc thù của mô hình nuôi…