Kỳ vọng chinh phục thị trường tỷ USD từ chuối

Sau khi thu hoạch quả, thân chuối được thu gom và chế biến thành các sản phẩm sợi. Phần bã và nước đều được tận dụng triệt để chế biến thành phân hữu cơ. Tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, Công ty TNHH MTV Musa Pacta không chỉ tạo công ăn việc làm cho bà con mà còn hướng tới chinh phục thị trường tỷ USD.

Việt Nam hiện có khoảng 150.000 ha chuối lấy quả ở quy mô trang trại, nông trại. Nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ của các gia đình, các giống chuối trồng không lấy quả như chuối lá, chuối hột, chuối rừng, diện tích cây chuối ở nước ta ước tính trên 200.000 ha. Diện tích này có thể cung cấp lượng sợi khoảng 200.000 tấn/năm, đem lại doanh thu khoảng 700 triệu USD nếu tính theo giá sợi chuối thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay, khoảng 3,5 USD/kg.

Chuối hiện tại chủ yếu trồng để lấy quả, một số ít tận dụng được lá khô, lá tươi, hoa tươi. Thân chuối gần như 100% là chặt bỏ, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Người trồng chuối phải thuê nhân công đốn hạ, vứt bỏ thân chuối sau thu hoạch.

Ông Bùi Khánh Dũng, Giám đốc Công ty Musa Pacta cho biết, đây chỉ là một số ít sản phẩm minh họa cho những gì làm được từ cây chuối Việt Nam
Ông Bùi Khánh Dũng, Giám đốc Công ty Musa Pacta cho biết, đây chỉ là một số ít sản phẩm minh họa cho những gì làm được từ cây chuối Việt Nam

Thân cây chuối bỏ đi được “hồi sinh” thành mặt hàng tỷ đô

Trên thế giới, sợi chuối đã được dùng để làm ra nhiều loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giấy các loại, đến những vật liệu cao cấp trong công nghiệp ô tô, du thuyền… có giá trị gia tăng lớn. Đặc biệt, sợi chuối là sản phẩm thân thiện môi trường, không sử dụng hóa chất rất được thị trường châu Âu ưa chuộng. Đó là hướng đi tất yếu trong xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững của thế giới.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH MTV Musa Pacta (Công ty Musa Pacta ) đã tận dụng, khai tác tối đa tất cả các bộ phận của cây chuối, từ thân, lá đến hoa, quả, củ đều được thương mại hóa. Điều này không chỉ mang lại nguồn lợi cho nông dân trồng chuối, liên kết tạo việc làm cho các hợp tác xã mà còn mở ra hướng đi mới, tạo ra nguồn vật liệu cho sản xuất, đáp ứng yêu cầu của kinh tế xanh.

Nâng giá trị kinh tế gấp 2,5 lần

Thị trường sợi chuối thế giới đã hình thành và phát triển khoảng 15 – 20 năm nay. Theo các báo cáo nghiên cứu thị trường của các hãng nghiên cứu lớn trên thế giới như Euromonitor, mức độ tăng trưởng trong 10 năm qua của thị trường này luôn ở mức 16 – 30%/năm. Đây là một thị trường sôi động, phát triển liên tục, doanh thu hàng tỷ đô với những quốc gia xuất khẩu sợi chuối thô hàng đầu thế giới như: Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc.

Ông Bùi Khánh Dũng, Giám đốc Công ty Musa Pacta cho biết, ban đầu khi mới thành lập, Công ty phối hợp với hợp tác xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội xử lý thân chuối, sau đó sản xuất ra những sản phẩm đầu tiên.

Từ những sợi chuối đó đan thành túi, giỏ, sọt, làn, khay, thảm, dép… với nhiều kiểu dáng độc đáo. Thậm chí, những mảnh sợi vụn cũng vẫn được tận dụng ép thành giấy, làm đèn lồng, hay giấy vẽ tranh ấn tượng.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái cho biết: “Cây chuối sau khi thu hoạch buồng, thân chuối được thu gom về, bổ đôi, tách bẹ và đưa vào máy ép sợi. Sợi chuối được phân loại 1 và loại 2 và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại và đưa vào máy quay sợi. Phần lõi trong cùng thân chuối là phần có thể thu được sợi mềm và dẻo nhất, lớp vỏ ngoài cùng lại cho sợi cứng và dày nhất.

Sợi chuối khô sau khi tuốt sạch sẽ được tết lại thành những sợi thừng lớn nhỏ và nhuộm đủ màu. Một tấn thân chuối trung bình thu được 10 – 15 kg sợi chuối phơi khô, hiện đang thu mua từ 50.000 – 80.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng”.

Ông Dũng cho biết thêm, khi ép thân chuối, thu được nước, kết hợp với quả chuối chín để ủ enzyme sinh học thành nước dinh dưỡng dùng tưới rau, cây ăn quả. Bã từ thân chuối được tận dụng ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng, vừa cung cấp vi chất, lại thân thiện với môi trường. Công ty đang nghiên cứu và đã có sản phẩm mẫu như miến từ củ chuối, bột từ quả chuối, bông, vải từ sợi chuối. Theo tính toán sơ bộ, so với việc đơn thuần chỉ lấy quả, việc tận dụng các thành phần khác của cây chuối khiến giá trị kinh tế được nâng lên 2,5 lần.

Các sản phẩm thủ công được làm từ sợi chuối thân thiện với môi trường, rất được thị trường châu Âu ưa chuộng
Các sản phẩm thủ công được làm từ sợi chuối thân thiện với môi trường, rất được thị trường châu Âu ưa chuộng

Doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân cùng chung tay

Công ty Musa Pacta được thành lập vào năm 2019, là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất và kinh doanh sợi chuối và các sản phẩm từ sợi chuối. Đến nay, Musa Pacta không đầu tư vào diện tích trồng chuối mà chọn cách hợp tác cùng các hợp tác xã tại nhiều địa phương có vùng nguyên liệu trồng chuối rộng lớn. Hiện Musa Pacta thu mua với mức giá 450.000 đồng/tấn thân chuối và đã đồng hành với 10 hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nam Định, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ trong việc sản xuất sợi chuối và các sản phẩm từ chuối.

Mười hợp tác xã đang tạo việc làm cho khoảng gần 600 lao động tùy từng thời điểm, đảm nhận các phần việc từ chặt chuối, vận chuyển, tuốt sợi, ép bã, ngâm ủ nước thân chuối, quả chuối để làm chế phẩm sinh học hữu cơ, sản xuất một số đồ thủ công mỹ nghệ, gia dụng bằng sợi chuối; với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, đáng nói, công việc tết, bện sản phẩm từ tơ chuối không quá nặng nhọc nên người cao tuổi cũng có thể tham gia.

Chia sẻ về dự định sắp tới, ông Bùi Khánh Dũng cho biết, quy mô sản xuất của Công ty vẫn ở mức nhỏ. Hiện Công ty đang đầu tư 3 nhà máy với quy mô sản xuất vải từ sợi chuối, chế biến bã chuối làm thức ăn gia súc, giá thể trồng cây hay ép làm nguyên vật liệu xây dựng. Xác định lĩnh vực chế biến sản phẩm từ chuối là nòng cốt, Công ty đã thành lập Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ và Giống cây trồng ứng dụng công nghệ cao để nghiên cứu tạo ra những giống chuối cho hiệu quả cao hơn về quả, sợi.

Một tấn thân chuối trung bình thu được 10 - 15 kg sợi, hiện đang được thu mua từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng
Một tấn thân chuối trung bình thu được 10 – 15 kg sợi, hiện đang được thu mua từ 50.000 – 80.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng

Kỳ vọng sợi chuối Việt vươn tầm thế giới

Hiện Philippines là một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu sợi chuối thô lớn nhất thế giới. Với cây chuối siêu sợi có tên gọi là Abaca, hằng năm, diện tích trồng chuối của Philippines tăng đều từ 15 – 20 vạn ha mới đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Tuy vậy, sợi chuối của Philippines không so sánh được với sợi chuối của Việt Nam. Bởi lẽ, sợi chuối của Việt Nam có độ mềm mượt, sáng, mịn tương đương như sợi chuối Ấn Độ. Trên thị trường, sợi chuối Ấn Độ thường có giá cao hơn sợi chuối Philippines tới 2 lần.

“Hi vọng rằng, thời gian tới sợi chuối Việt Nam có thể bước chân vào thị trường sợi chuối thế giới và có thể cạnh tranh với sản phẩm tương tự của Ấn Độ và Philippines”, ông Bùi Khánh Dũng kỳ vọng.