Lượng đơn hàng xuất khẩu thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 7 tăng thêm khoảng 600 triệu USD so với tháng 6, với nhiều mặt hàng hút khách như điện thoại, máy tính, xơ sợi, nông sản…
Lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tháng 7 của nước ta sang Trung Quốc tăng nhanh so với các tháng trước, nhiều mặt hàng có mức tăng cao, đạt trên 1 tỷ USD như điện thoại (1,45 tỷ USD, tăng 18% so với tháng 6), máy tính (1,24 tỷ USD, tăng 57%), cao su (173 triệu USD, tăng 124%)…
Đây là tốc độ tăng nhanh nhất so với các tháng kể từ đầu năm tới nay. Mức tăng trưởng của các ngành hàng chủ lực kể trên trong tháng 7 phản ánh đơn hàng cải thiện thấy rõ, nhất là các nhóm hàng này đều đóng góp kim ngạch xuất khẩu hàng năm rất lớn.
Lũy kế 7 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,4 tỷ USD, tăng 7,5%, tương ứng tăng gần 2,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Với hơn 1 tỷ USD thu về từ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (số liệu 6 tháng), mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đã “ghi điểm” với mức tăng trưởng 48% so với cùng kỳ. Đây là sự phục hồi ấn tượng, bởi năm ngoái mặt hàng này giảm 20,6%. Còn máy ảnh, quay phim và linh kiện đạt 2,43 tỷ USD, tăng 85%; hàng rau quả gần 2,2 tỷ USD, tăng 22,5%; giày dép gần 950 triệu USD, tăng 8,7%…
“Nhìn chung, những tháng gần đây, đặc biệt tháng 6 và 7, đơn hàng từ Trung Quốc có sự cải thiện rõ rệt nhờ hồi phục về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tác động đáng kể vào số liệu xuất khẩu với bức tranh tăng trưởng ấn tượng”, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá.
Đơn hàng xuất khẩu tăng cũng cho thấy kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi tốt và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam được khách hàng Trung Quốc tin tưởng, nhất là với nông sản, vốn bị kiểm tra gắt gao về mã số vùng trồng, đóng gói và các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Theo số liệu mới công bố của Hải quan Trung Quốc, 7 tháng đầu năm 2024, ASEAN tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với trị giá 546 tỷ USD. Trong các nước ASEAN, thương mại Việt Nam – Trung Quốc 7 tháng tăng mạnh nhất (24,1%). Các sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm và gia tăng nhập khẩu trong thời gian qua là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông – thủy sản.
Nhận định về những tháng còn lại của năm 2024, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc còn nhiều triển vọng tăng tốc, nhờ cầu tiêu dùng theo thông lệ tăng cao dịp cuối năm, tập trung vào nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế.
Trong khi đó, với nhiều thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương, như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang tạo cơ hội đáng kể cho hàng hóa Việt thâm nhập hơn nữa vào thị trường này.
Đặc biệt, hiện nay phí vận tải tàu biển tăng cao, căng thẳng thương mại với Mỹ, EU khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu. Trong đó, Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ ngành hàng, doanh nghiệp sang thị trường Trung Quốc luôn được coi trọng. Cùng với các đơn vị liên quan, Bộ Công thương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, dỡ bỏ rào cản, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu, mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản trong nước.
Năm ngoái, xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản đều bị giảm vì khó khăn chung của nền kinh tế, thương mại toàn cầu, nhưng riêng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng 5,6%, với kim ngạch đạt 61,2 tỷ USD, chiếm 17,3% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong 5 tháng còn lại của năm 2024, theo các doanh nghiệp, ngoài những nhóm hàng như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện… vẫn tiếp tục tăng trưởng, thì nhóm rau quả như dưa hấu, dừa tươi, sầu riêng đông lạnh… sẽ có sự thay đổi lớn, khi công tác mở cửa thị trường được hoàn tất.
Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre cho hay, doanh nghiệp đang kỳ vọng vào việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho dừa tươi của Việt Nam. Đây là thị trường vô cùng tiềm năng vì mỗi năm sử dụng tới 2,6 tỷ trái dừa tươi và 1,5 tỷ trái dừa phục vụ chế biến. Với lợi thế về khoảng cách địa lý, thời gian vận chuyển ngắn và chi phí thấp, nên sản phẩm sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác.
Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khi Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi được ký, nếu chuẩn bị tốt, ngành dừa có thể thu thêm khoảng 300 – 400 triệu USD/năm từ thị trường này.