Quả xay có vị chua chua ngọt ngọt, là quả mọc dại rất nhiều nơi. Vậy, sử dụng quả xay có lợi ích gì đối với sức khỏe không? Tác dụng của quả xay đối với sức khỏe con người là gì?
Đặc điểm quả xay
Quả xay mọc từ cây cối xay hay còn gọi là kim hoa thảo, cây giằng xay. Tên khoa học của cây cối xay là Abutilon indicum (L.) Sweet thuộc họ bông (Malvaceae).
Cây cối xay thường mọc thành bụi, cao khoảng 1 – 1.5m. Thân cây cối xay nhỏ, cành cây có lông mềm. Lá cây có hình tim, mép lá có răng cưa, cuống lá dài, lá mọc so le nhau. Hoa có màu vàng với cánh hoa hình tam giác ngược.
Mùa hoa là khoảng tháng 2, tháng 3, do đó mùa quả là khoảng tháng 4 đến tháng 6. Quả xay có dạng đầu nhọn, có lông ở vỏ ngoài. Bên trong quả xay có hạt có màu đen hình thận. Quả xay có vị chua ngọt rất thú vị. Toàn bộ cây từ hoa, lá, cành, quả đều được sử dụng làm dược liệu.
Cây cối xay mọc hoang ở rất nhiều nơi ở nước ta, rải rác từ đồng bằng, ven biển đến miền núi cao, thung lũng. Cây cối xay là loài cây ưa ẩm, ưa sáng. Cây cho rất nhiều quả hàng năm. Mỗi quả xay khi chín sẽ tự mở vỏ, rơi hạt để mọc lên cây khác.
Thành phần của quả xay
Có một số ít nghiên cứu cho thấy các thành phần của cây cối xay có nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học. Các thành phần hóa học được tìm thấy ở các bộ phận của cây bao gồm: Thân, cành, hoa, lá như sau:
Các flavonoids là: Gossypin, gossypetin, cyanidin-3-rutinoside;
Các acid amin là: Alanin, acid glutamic, arginin, valin;
Carbohydrate là: Glucose, fructose, galactose;
Hợp chất phenol;
Các acid béo: Acid linoleic, acid palmitic và acid stearic.
Nhờ các thành phần hóa học này mà quả xay cũng như các bộ phận khác của cây cối xay có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý. Các bộ phận của cây sau khi thu hái về sẽ rửa sạch, phơi khô để dùng dần.
Tác dụng của quả xay
Theo y học cổ truyền, cây cối xay là dược liệu có vị ngọt, tính bình, quy kinh vào tâm và tính kinh đởm. Quả xay cũng như cây cối xay có tác dụng như sau:
Trị cảm sốt, đau đầu: Một nghiên cứu của người Ấn Độ trên chuột đã kết luận rằng cây cối xay có khả năng làm hạ nhiệt cơ thể khi bị sốt;
Tác dụng nhuận tràng, trị táo bón;
Có tác dụng lợi tiểu, trị các bệnh về sỏi thận, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu;
Trị dị ứng da, mụn nhọt, vàng da, lở ngứa;
Dùng trong trường hợp kiết lỵ, viêm kết mạc mắt.
Một số nghiên cứu hiện đại có kết quả khả quan với khả năng kháng viêm nhờ hoạt chất gossypetin của quả xay. Do đó, quả xay có thể dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến viêm xương khớp.
Cũng có một số nghiên cứu báo cáo khả năng kháng khuẩn của quả xay. Do đó có thể ứng dụng trong điều trị giảm đau, hạ sốt khi nhiễm khuẩn.
Các nghiên cứu trên cây cối xay là các nghiên cứu trên chuột chưa tiến hành trên người. Tuy nhiên trong dân gian cũng như trong y học cổ truyền, người ta đã dùng toàn bộ cây để điều trị các bệnh thông thường và đã đạt được hiệu quả nhất định.
Một số bài thuốc với quả xay trong y học cổ truyền
Như vậy với các thành phần giàu chất kháng viêm, kháng oxy hóa mà quả xay đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo đó, trong y học cổ truyền thì quả xay hay toàn bộ cây cối xay cũng là một loại dược liệu. Một số bài thuốc với quả xay mà bạn có thể áp dụng được tại nhà như sau:
Trị kiết lỵ: Chuẩn bị 30g quả xay, 30g hoa mào gà phơi khô. Sau đó đem sắc lấy nước uống. Nếu cần nên bổ sung thêm nước điện giải để đề phòng mất nước do tiêu chảy. Bạn cũng nên đến bệnh viện ngay nếu các triệu chứng không được cải thiện. Đặc biệt là nếu mất nước nặng hoặc tiêu chảy kèm sốt, phân có máu.
Trị ù tai, đau tai: Dùng 30g quả xay hoặc 30g toàn cây tươi đem nấu canh với thịt lợn nạc để ăn cơm.
Trị xích bạch lỵ: Sao khô quả xay gồm cả hạt. Sau đó đem đi nghiền tất cả thành bột mịn. Mỗi lần uống thì lấy 4g pha với một chút mật ong cho dễ uống, uống 3 lần mỗi ngày trước khi ăn.
Trị mụn nhọt gây sưng đau: Nghiền cả quả xay gồm cả hạt, sau đó đem hãm với nước sôi rồi uống. Ngoài ra có thể lấy lá cối xay tươi giã với mật ong rồi đắp lên chỗ mụn nhọt để tăng hiệu quả.
Ngoài ra các thành phần khác của cây cối xay cũng được dùng làm thuốc với các bài thuốc dân gian như sau:
Trị mẩn đỏ, mề đay, dị ứng: Lấy khoảng 40g toàn cây khô hầm với thịt lợn nạc làm món canh thuốc ngon, bổ dưỡng.
Trị trĩ: Chuẩn bị khoảng 200g rễ cối xay đem sắc đặc để uống. Trong khi sắc thì để lại khoảng 1 chén nước dùng để xông hậu môn. Khi nước ấm thì dùng nước đó để vệ sinh hậu môn.
Trị đau nhức xương khớp: Rễ cối xay và rượu với tỉ lệ 1:1 đem đi sắc lấy nước uống.
Trị phù thũng sau sinh: Đem sắc 30g rễ cối xay cùng với 20g ích mẫu. Lấy nước uống.
Trị tiểu buốt, tiểu rắt: Nguyên liệu gồm 30g cây cối xay, 20g rễ tranh, 20g râu bắp, 20g bông mã đề, 8g cỏ mần trầu, 12g rau má. Đem hỗn hợp đi sắc với 650ml nước. Khi còn 250ml thì chia thành 2 phần, mỗi lần uống sẽ uống trước bữa ăn.
Trị cảm sốt, đau đầu: 12g cây cối xay, 6g bạc hà, 8g lá tre, 8g kinh giới, 12g kim ngân hoa đem đi sắc với 750 ml nước. Khi nước còn khoảng 250ml thì chia thành 2 phần để uống trước bữa ăn.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu