Việt Nam tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất cho thị trường EU. Dự kiến giấc mơ xuất khẩu đạt con số tỷ USD năm 2024 hoàn toàn khả thi.
Việt Nam tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất tại EU
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong 4 tháng đầu năm, EU đã nhập khẩu 18.474 tấn hồ tiêu từ thị trường ngoại khối trị giá 83,7 triệu EUR, tăng 22,9% về lượng và 27% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tính riêng trong tháng 4, lượng hồ tiêu nhập khẩu vào EU đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay, với 5.440 tấn, tăng 22,7% so với tháng trước và tăng gần 40% so với cùng kỳ. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp nhập khẩu tiêu của EU tăng so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý 4 tháng đầu năm, EU đã nhập khẩu tổng cộng 11.359 tấn hồ tiêu từ Việt Nam với trị giá hơn 48,5 triệu EUR, tăng 25,1% về lượng và 32,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Với khối lượng đạt 11.359 tấn, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 61,5% tổng nhập khẩu mặt hàng này của khu vực, Việt Nam tiếp tc là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất tại EU trong 4 tháng đầu năm.
Doanh nghiệp xuất khẩu của tiêu của Việt Nam đang có lợi thế
Ngoài Việt Nam nhập khẩu hồ tiêu của EU từ các thị trường khác cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm như: Brazil đạt 3.443 tấn, tăng 25,3%; Indonesia đạt 1.384 tấn, tăng 32,2%; Ấn Độ đạt 952 tấn, tăng 9,9%.
Đặc biệt, giá tiêu nhập khẩu bình quân của EU từ Việt Nam đạt 4.273 EUR/tấn, từ Brazil là 3.665 EUR/tấn, Indonesia 5.509 EUR/tấn, riêng Ấn Độ đạt 6.646 USD/tấn.
Ngoài mức giá cạnh tranh, doanh nghiệp xuất khẩu của tiêu của Việt Nam đang có lợi thế hơn một số nước xuất khẩu như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia,… nhờ Hiệp định EVFTA, giúp giảm thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền sang EU giảm từ 4% còn 0%.
Theo Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI), châu Âu không sản xuất hồ tiêu nên tiêu thụ của khu vực chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu. Đáng chú ý có đến 95% lượng hồ tiêu nhập khẩu vào EU được tiêu thụ tại các nước trong khu vực và chỉ 5% trong số đó được tái xuất sang các nước ngoài châu Âu.
Ngoài ra, tiêu thụ tiêu đen tại châu Âu được cho là sẽ tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, với mức tăng dự kiến vào khoảng 0,5% năm 2023 và 1,8% trong năm 2024.
Bên cạnh đó, CBI dự báo nhập khẩu hồ tiêu của các nước châu Âu sẽ tăng trưởng 1-2% mỗi năm. Thị trường châu Âu mang lại lợi thế về giá so với các thị trường châu Á đối với tiêu đen chất lượng cao và được sản xuất bền vững.
Trước những lợi thế và thách thức, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, EU là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, ngành hồ tiêu phải đi theo hướng sản xuất bền vững, bởi ngày càng nhiều người tiêu dùng châu Âu yêu cầu các chứng nhận đảm bảo sản phẩm có tính bền vững.
Theo số liệu trên VTV, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) hiện ước tính sản lượng tiêu năm 2024 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Nguyên do, nhiều nông dân chặt bỏ cây hồ tiêu khi giá rớt cách đây 4 nm trước (giá tiêu xuống chỉ 40.000 đồng/kg) để trồng những cây có lợi ích kinh tế hơn như sầu riêng, cà phê…
Sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong năm 2024 dự kiến đạt khoảng 465.000 tấn, giảm 1,2% so với năm ngoái. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu dự kiến đạt tới 529.000 tấn, vượt 64.000 tấn so với sản xuất. Điều này khiến cho lượng tồn kho tiếp tục sụt giảm xuống còn 428.000 tấn, mức thấp nhất trong 6 năm qua.
Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, thời gian tới giá tiếp tục tăng, sẽ giúp ngành hàng hồ tiêu cán mốc 1 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay. Dù Trung Quốc giảm mua mạnh, nhưng nhờ nguồn cung thấp và đa dạng thị trường xuất khẩu nên hồ tiêu Việt Nam “sáng cửa” đạt được mục tiêu trên.
Quy mô thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD
Theo số liệu trên Đại Đoàn Kết, quy mô thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024 – 2032. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ước tính, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam vụ 2023-2024 tăng khoảng 5% so với 2022. Vụ mùa hồ tiêu năm 2024 của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên mức 225.000 tấn so với ước tính 200.000 tấn của vụ mùa năm ngoái. Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, thời gian tới giá tiếp tục tăng, sẽ giúp ngành hàng hồ tiêu cán mốc 1 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay.
Nhìn lại lịch sử xuất khẩu hồ tiêu cho thấy, năm 2016 ngành hồ tiêu xuất khẩu 176,6 nghìn tấn, kim ngạch đạt kỷ lục 1,422 tỷ USD. Năm 2017, xuất khẩu được 214 nghìn tấn tiêu, kim ngạch đạt 1,11 tỷ USD. Tuy nhiên năm 2018, ngành hồ tiêu đã để mất mốc 1 tỷ USD, khi giảm xuống 758,8 triệu USD; năm 2019 là 722 triệu USD. Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ còn 666 triệu USD. Năm 2021 đạt 948,7 triệu USD; năm 2022 đạt 963 triệu USD. Kết thúc năm 2023, giá hồ tiêu xuống thấp khiến mục tiêu xuất khẩu tỷ USD lại lỡ hẹn, chỉ đạt 912 triệu USD.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu