Bón lót trong canh tác lúa thế nào cho hiệu quả?

Mùa mưa đã đến và bà con đang bước vào một mùa vụ mới. Trong canh tác lúa, bón lót là giai đoạn bón phân đầu tiên và quan trọng nhất, tạo điều kiện cho cây lúa phát triển tốt, hiệu quả sản xuất lúa cao, đặc biệt đối với các giống lúa cao sản (ngắn ngày).

Thế nhưng rất ít nông dân ở ĐBSCL quan tâm tới việc này.
15-30-22_nh_nong_thong_thi_-_bi_8
Sản xuất lúa ở ĐBSCL

Thực tế cho thấy, tại ĐBSCL, diện tích lúa được bón lót trước khi gieo sạ khá thấp, ước tính chưa đến 10% trong tổng số 1,65 triệu ha (Th.S Lê Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng phía Nam, Cục Trồng trọt).

Ông Tùng cho rằng, bà con chưa có tâm lý đề cao việc bón lót vì suy nghĩ “Bón phân xuống ruộng trống thì phân sẽ đi đâu?” do bón lót được thực hiện trước khi gieo sạ.

Mỗi năm bà con trồng 2-3 vụ lúa cao sản. Điều này ảnh hưởng xấu đến độ phì nhiêu và dinh dưỡng trong đất. Bón lót sẽ bổ sung dinh dưỡng đất bị mất đi sau mỗi vụ, chuẩn bị điều kiện đất tốt nhất cho đợt trồng mới. Khi được gieo sạ xuống ruộng, cây lúa sử dụng dinh dưỡng có sẵn trong hạt lúa (cụ thể trong phôi nhũ) để phát triển. Sau thời gian đó, khi nguồn dinh dưỡng sẵn có đã hết thì rễ đã mọc vươn ra ngoài vỏ lúa để hút dinh dưỡng trong đất ruộng.

Như vậy, nếu ruộng được bón lót, cây lúa sẽ có ngay nguồn dinh dưỡng cần thiết và kịp thời để tiếp tục lớn mạnh. Nếu không, cây lúa non sẽ không hút được dinh dưỡng cần thiết khi bà con không kịp bón phân đúng thời điểm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cây lúa.

Ông Tùng cho biết, thời gian sinh trưởng của cây lúa cao sản rất ngắn, chỉ hơn 30 ngày, nhiều nhất là 40 ngày. Do đó, chỉ cần vài ngày thiếu chất dinh dưỡng, nhất là ở giai đoạn đầu của cây, cây lúa sẽ bị “sượng” ngay; từ đó, làm giảm năng suất và chất lượng lúa. Ví dụ: thiếu dinh dưỡng vào giai đoạn đầu sinh trưởng làm chậm tốc độ ra lá của cây lúa sẽ chậm lại. Thiếu số lá cần thiết sẽ khiến thời gian quang hợp bị kéo dài, ảnh hưởng tới năng suất lúa.

Để khắc phục việc lúa bị “sượng”, bà con thường “ép” cây lúa tăng tốc độ sinh trưởng bằng cách thúc phân bón. Bị “ép” phải lớn nhanh trong một thời gian ngắn khiến lúa dễ bị đổ ngã, không cứng cây, sâu bệnh tấn công… Trong khi đó, nếu được cung cấp đủ chất dinh dưỡng ngay từ đầu qua bón lót, lúa sẽ tăng trưởng ở tốc độ hợp lý, giúp cho cây khoẻ mạnh, tăng sức chống chịu đối với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi.

Hơn nữa, bón lót giúp gia tăng đáng kể hiệu qủa sử dụng phân bón, cũng là tăng năng suất, chất lượng lúa, giảm giá thành sản xuất và đảm bảo lợi nhuận cho bà con. Khi bón lót, phân sẽ được vùi sâu và “lan toả” dinh dưỡng vào trong đất, nâng cao khả năng hút dinh dưỡng của cây lúa.

Các nghiên cứu cho thấy, nếu vùi Urea vào đất khi bón lót, cây lúa có thể hấp thụ được tới 2/3 lượng đạm có trong phân. Trong khi đó, có tới hơn 60% lượng đạm bị bốc hơi khi bón phân trên ruộng co lúa và ngập nước, lúa chỉ hấp thụ khoảng 1/3 lượng đạm.

Theo Nongnghiep.vn