Chàng trai Cơ Tu khởi nghiệp từ mô hình VCR

Mới đây, khi về huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam công tác, tôi được biết giờ đây ở xã vùng cao Tà Lu đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu có cuộc sống ổn định, trở thành gương sáng cộng đồng vùng cao.

Tiêu biểu như hộ anh Bh’nướch Hùng (49 tuổi) dân tộc Cơ Tu ở Tổ Đoàn kết Pà Nai 1, thôn Pà Nai. Anh là người tiên phong trong phong trào nông dân sản xuất giỏi tại xã Tà Lu với mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp vườn – chuồng – rừng (VCR). Thời gian qua, mô hình đã phát huy hiệu quả cao, giúp gia đình anh từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chàng trai Cơ Tu khởi nghiệp từ mô hình VCR
Từ nguồn vốn vay của “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” gia đình anh Bh’nướch Hùng đã thực hiện hiệu quả mô hình VCR

Đưa chúng tôi đi thăm chuồng trại nuôi heo rừng lai, anh Bh’nướch Hùng cởi mở chia sẻ: “Hơn 8 năm trước, gia đình tôi cũng nghèo như bao gia đình dân tộc Cơ Tu trong xã. Nhờ vay vốn từ “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Đông Giang của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền 10 triệu đồng, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua 2 con heo rừng lai về nuôi, không ngờ mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Với bản chất cần cù, ham học hỏi và chịu khó, anh Bh’nướch Hùng đã tích cực tham gia hầu hết các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do xã Tà Lu và huyện Đông Giang tổ chức. Khi bắt tay vào phát triển chăn nuôi, anh Bh’nướch Hùng nhận khoán đất rừng của xã trồng hơn 2 héc-ta keo, cải tạo trồng thêm 100 cây chuối lùn vừa bán buồng, vừa làm nguyên liệu để nuôi heo. Ngay từ lứa đầu tiên, đàn heo của anh phát triển tốt, con giống khỏe mạnh nên anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích chuồng nuôi để nhân đàn.

Chàng trai Cơ Tu khởi nghiệp từ mô hình VCR
Anh còn trồng thêm cây chuối lùn để có thêm nguồn thức ăn

Hiện nay, mô hình nuôi heo rừng lai của gia đình anh Bh’nướch Hùng luôn duy trì 6 con heo mẹ trong giai đoạn sinh sản cùng với đàn heo thịt từ 15 đến 20 con, còn lại là heo rừng lai giống. Ngoài thức ăn chính là cám, gạo, anh còn tận dụng đất rừng trồng thêm cây chuối lùn, rau lang… cho heo ăn nên tiết kiệm được chi phí đầu tư. Theo anh Bh’nướch Hùng, trung bình hàng năm mỗi con heo mẹ sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 7 – 8 con, cá biệt có lứa từ 9 – 10 con.

Heo giống hiện có giá dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg hơi. Heo thịt nuôi thời gian từ 8 – 9 tháng có thể xuất chuồng bán với trọng lượng mỗi con đạt từ 20 – 25 kg, có giá từ 75.000 – 80.000 đồng/kg hơi. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm tính cả tiền bán cây keo, chuối lùn và từ chăn nuôi heo rừng lai cho nguồn thu nhập ổn định từ 200 – 250 triệu đồng.

Từ mô hình VCR, đời sống kinh tế của gia đình anh Bh’nướch Hùng ngày càng được nâng lên. Năm 2020, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Tà Lu chứng nhận hộ anh Bh’nướch Hùng đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã năm 2020” và chính thức thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã Tà Lu.

Anh A Lăng Bút – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Lu nhận xét: Anh Bh’nướch Hùng là hội viên nông dân tích cực tham gia sinh hoạt hội ở cơ sở. Mô hình phát triển kinh tế trang trại VCR của gia đình anh đang được nhiều hội viên trong và ngoài xã đến tham quan, học tập để nhân rộng.