Một trong những nghịch lý lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là: sản lượng cao nhưng giá trị thấp. Hầu hết nông sản xuất khẩu như rau quả, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, gạo… vẫn chủ yếu dưới dạng thô hoặc sơ chế đơn giản. Điều này làm giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, đồng nghĩa với lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp cũng không cao.
Tại Diễn đàn Nông sản Việt Nam 2025, vấn đề được quan tâm trao đổi là nếu Việt Nam đầu tư mạnh mẽ vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu thành phẩm, giá trị của nông sản có thể tăng từ 5–7 lần so với hiện tại. Ví dụ, một kg xoài tươi xuất khẩu có giá khoảng 1,5 USD, nhưng nếu chế biến thành sản phẩm sấy dẻo cao cấp, giá bán có thể lên đến 8–10 USD/kg.
Một số doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này như Công ty Cổ phần Vina T&T, Công ty Nafoods Group, hay Lavifood đã cho thấy con đường nâng giá trị nông sản thông qua đầu tư công nghệ chế biến hiện đại và xây dựng thương hiệu bài bản.
Tuy nhiên, để mô hình này nhân rộng, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách: ưu đãi tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật, kết nối thị trường và bảo hộ thương hiệu quốc tế. Chỉ khi đó, nông sản Việt Nam mới thực sự thoát khỏi “cái bẫy” nguyên liệu thô và vươn lên giá trị cao hơn trên bản đồ nông sản thế giới.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu